Đà Nẵng - Quảng Nam có nguy cơ thiếu nước trong mùa hè năm 2023
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, có khả năng mùa cạn năm 2023 sẽ là một năm khó khăn về nguồn nước đối với khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam do nắng nóng, xâm nhập mặn và lượng mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 6/2023, tổng lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam phổ biến thấp hơn từ 5-10% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Từ dự báo trên, các ngành chức năng Đà Nẵng đã đặc biệt quan tâm đến việc lên phương án sẵn sàng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho TP trong mùa cạn năm 2023.
Theo đó, Sở TN&MT cùng Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng vừa có chuyến khảo sát thực địa đầu tiên trong năm vào ngày 21/2 vừa qua tại khu vực sông Quảng Huế và hệ thống thủy lợi An Trạch để đánh giá tình hình.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng đang phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương liên quan và tham vấn ý kiến chuyên gia đối với việc kiểm kê, đánh giá nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Đồng thời, rà soát, tổng hợp các nguy cơ có thể xảy ra dẫn đến thiếu nguồn nước thô, bao gồm: Hạn hán, xâm nhập mặn; bất cập trong việc vận hành của các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; công tác phối hợp vận hành đập dâng An Trạch; hoạt động của Trạm bơm phòng mặn An Trạch; công trình Nhà máy nước Hòa Liên trên sông Cu Đê cần sớm đưa vào vận hành.
Trong diễn biến có liên quan, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết thêm, số liệu quan trắc độ mặn nước sông tại cầu Tứ Câu đo được vào ngày 5/2/2023 là 6,2‰, vào ngày 16/2/2023 là 6,5‰. Kết quả cho thấy hạn hán, xâm nhập mặn năm nay đã xuất hiện sớm, gay gắt hơn.
Đối với cây lúa, không tưới nước nhiễm mặn (từ 2‰ trở lên) cho giai đoạn trổ vì giai đoạn này rất mẫn cảm. Cây lúa có khả năng chịu mặn trong giai đoạn đẻ nhánh nhưng lại rất mẫn cảm với mặn trong giai đoạn mạ và thời kỳ trổ bông. Khi bị ngộ độc mặn thì chóp lá bị trắng từ chóp trở xuống, sau đó lá cuốn lại, chuyển sang màu vàng và khô dần đi. Lúc này, cây sinh trưởng kém, bộ rễ kém phát triển, nở bụi ít, hạt lúa bị lép, năng suất thấp và cây có thể bị chết.
Hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam cũng đang khẩn trương tháo gỡ các khó khăn liên quan đến nguồn cát đắp để hoàn thành đập ngăn mặn Tứ Câu, để ngăn mặn từ sông Hàn vào sông Thu Bồn, nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp.