Đà Nẵng, Quảng Nam hợp tác kết nối hạ tầng trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ cùng kiến nghị Trung ương thống nhất chủ trương quy hoạch tuyến đường sắt đô thị (LRT) nối Đà Nẵng – Hội An đi theo sông Cổ Cò để phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm sự phát triển tương hỗ giữa 2 cảng hàng không Đà Nẵng và Chu Lai của hai địa phương miền Trung này.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cũng phối hợp với tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, triển khai phương án kết nối vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn giữa 2 địa phương để bảo đảm đi lại thuận lợi, giảm phương tiện cá nhân, đảm bảo an toàn giao thông.

Tuyến đường sông tại khu vực Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Như Nam

Những thông tin này được văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam công bố sau hội nghị vừa được tổ chức ở Quảng Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN về hợp tác hỗ trợ giữa hai địa phương và ký kết chương trình hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian đến.

Cả hai địa phương đề nghị Trung ương sớm đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường QL. 14G, QL. 14B và QL. 14D (trong giai đoạn 2021 – 2025), đặc biệt là QL.14D.

Hai địa phương cũng đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đối ngoại đối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Tất cả những dự án nói trên nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đi qua hai địa phương này.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, từ năm 2016 đến nay, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phối hợp nhiều dự án khác nhau trên tuyến hành lang này.

Trong đó, dự án khơi thông sông Cổ Cò với tổng chiều dài 28 km (đoạn qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài 19,7 km, đoạn qua thành phố Đà Nẵng có chiều dài 8,3 km) là một trong những dự án chính.

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban Điều phối dự án khơi thông sông Cổ Cò; thống nhất ranh giới dự án khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua tỉnh Quảng Nam sẽ được tỉnh Quảng Nam thực hiện khơi thông theo quy hoạch được phê duyệt.

Để khai thác tuyến du lịch nối Đà Nẵng với đô thị cổ Hội An theo tuyến sông Cổ Cò và tuyến Đà Nẵng – Cù Lao Chàm, thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch về đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025. Như vậy, hai địa phương sẽ phối hợp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế xã hội vùng tam giác Đà Nẵng – Hội An – Điện Bàn; phối hợp xúc tiến quảng bá, phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch; hợp tác, hỗ trợ đầu tư phát triển trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Đồng thời, liên kết phát huy, khai thác sản phẩm du lịch liên vùng, ưu tiên hai dòng sản phẩm “Con đường di sản” và “Đường mòn sinh thái” theo kết quả hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm của châu Âu. Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng liên vùng của hai địa phương là du lịch biển và nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch đường sông.

Hiện Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đang nghiên cứu triển khai tuyến Đà Nẵng – Hội An theo hướng áp dụng một số tiêu chí của tuyến xe buýt nhanh BRT và đã thống nhất với Sở Giao thông vận tải Quảng Nam về khung tiêu chí, chất lượng dịch vụ các tuyến xe buýt liền kề, hành trình chạy xe, điểm dừng nhà chờ của tuyến xe buýt Đà Nẵng – Hội An. Song song với đó, tỉnh Quảng Nam cũng có chủ trương quy hoạch tuyến đường sắt đô thị (LRT) nối Đà Nẵng – Hội An đi theo sông Cổ Cò trong thời gian tới.

Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây là tuyến hành lang dài 1.450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) tại Myanmar. Ở Thái Lan, tuyến bắt đầu từ tỉnh Mae Sot, chạy qua 7 tỉnh là Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan. Ở Lào, tuyến này chạy từ tỉnh Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh và ở Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh, thành Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/da-nang-quang-nam-hop-tac-ket-noi-ha-tang-tren-tuyen-hanh-lang-kinh-te-dong-tay/