Cần quản lý để việc khai thác, cắt chẻ đá ba dan đúng pháp luật

Thời gian gần đây, tại các xã phía Tây huyện Gio Linh xảy ra tình trạng khai thác, cắt chẻ đá ba dan (thường gọi là đá mồ côi) dưới tán rừng cao su rồi tập kết, vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ. Đây là việc làm trái pháp luật cần có biện pháp để quản lý, chấn chỉnh.

Máy múc và xe tải được đưa vào lô cao su để khai thác đá ba dan - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Máy múc và xe tải được đưa vào lô cao su để khai thác đá ba dan - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Khai thác và cắt chẻ đá tràn lan

Ngày 18/6, phóng viên có mặt tại lô cao su thuộc địa phận xã Phong Bình. Dưới tán rừng cao su rất nhiều đá ba dan đa dạng về kích thước nằm lăn lóc, xen kẽ giữa hai hàng cây, đất đỏ tươi mới vừa được đào xới, cạnh đó, một chiếc máy múc nằm gần chiếc xe tải ben. Trên thùng chiếc xe tải có nhiều tảng đá lớn mới được múc lên.

Sau nhiều ngày đi đến các xã phía Tây huyện Gio Linh như Gio Sơn, Phong Bình, Gio An, chúng tôi ghi nhận tại các Nông trường Trường Sơn, Dốc Miếu, 74, thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị đều diễn ra tình trạng khai thác đá ba dan. Dưới những tán rừng, lớp đất mặt bị đào xới lên, những tảng đá ba dan nằm rải rác hoặc được gom lại thành đống.

Những tảng đá ba dan sau đó được vận chuyển, tập kết tại các bãi đá nằm dọc các Tỉnh lộ 74, 75, 76 hoặc các đường nhánh bê tông. Đá được tập kết tại những bãi này đều vừa mới được khai thác lên khỏi mặt đất vì lớp đất dính ngoài bề mặt đá vẫn còn ẩm, màu đỏ thẫm. Một số người dân địa phương cho biết, số đá này sẽ được bán và vận chuyển đến những bãi tập kết để chẻ, chế biến, bán ra thị trường.

Sau khi nhận được phản ánh của phóng viên, trong ngày 18/6 Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song đã chỉ đạo kiểm tra và lập biên bản đối với Nông trường Trường Sơn về việc thu gom đá ba dan tại các lô cao su của nông trường. Qua kiểm tra ban đầu, phát hiện nông trường đã tự ý khai thác 12 ha, thu gom khoảng 120 m3 đá ba dan.

Tại xã Gio Sơn, Chủ tịch UBND xã Đỗ An Chung thừa nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 5/2024, Nông trường Cao su 74 đưa máy móc vào khai thác đá 2 đợt tại các vườn cao su. Ngay sau khi phát hiện việc này, xã đã nhắc nhở và yêu cầu nông trường tạm dừng việc khai thác đá.

Xưởng đá cắt Song Minh Tiến và bãi tập kết đá hàng nghìn mét khối - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Xưởng đá cắt Song Minh Tiến và bãi tập kết đá hàng nghìn mét khối - Ảnh: TRẦN TUYỀN

“Từ năm 2021- 2023, UBND xã đã ban hành nhiều văn bản nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng khai thác đá tràn lan mà chủ yếu là người dân tận dụng khai thác theo kiểu thu gom đá, cải tạo vườn. Tại những bãi tập kết đá lớn trên địa bàn xã, một số đối tượng lén lút khai thác, thu gom đá ở địa bàn khác rồi vận chuyển về”, ông Chung thông tin.

Dọc tuyến Tỉnh lộ 74 có nhiều cơ sở chẻ, cắt đá ba dan để bán ra thị trường. Trong đó, xưởng đá cắt Song Minh Tiến của Công ty TNHH Song Minh Tiến (thôn Trí Tiến, xã Gio Sơn) do ông Dương Quốc Tráng làm giám đốc là lớn nhất.

Khác với những cơ sở khác là thuê người chẻ đá thủ công, Công ty TNHH Song Minh Tiến đầu tư xây dựng một xưởng xẻ đá bằng máy móc hiện đại. Từng tảng đá ba dan lớn hàng tạ đến vài tấn đều được máy cưa xẻ ra thành những khối, lát nhỏ rất dễ dàng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong danh sách đăng ký ngành nghề kinh doanh của Công ty TNHH Song Minh Tiến không có lĩnh vực chế biến đá.

Đơn vị quản lý đất có đá nói gì?

Khi phóng viên đề cập đến việc khai thác đá dưới tán rừng cao su, Giám đốc Nông trường Cao su Trường Sơn Trương Văn Hàm cho hay, việc khai thác đá diễn ra trước đó khoảng 1 tuần (khoảng ngày 10/6). Thời gian gần đây, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị triển khai thực hiện cơ giới hóa sản xuất, sử dụng máy móc để cày xới đất, phát cỏ và bón phân.

Trong quá trình sản xuất, những tảng đá ba dan làm hư hỏng máy của nông trường, công nhân đi cạo mủ ban đêm cũng bị vấp ngã vì đá nên công ty có chủ trương thí điểm cải tạo đất, thu gom đá ba dan.

Thực hiện chủ trương này, nông trường đã tiến hành thuê máy múc, xe tải để cải tạo đất, thu gom đá tại 3 lô với khoảng 12 chuyến xe. Sau đó, nông trường đã tập kết đá tại một bãi nằm trên địa phận thôn An Hướng, xã Gio An.

“Sau khi thực hiện được vài ngày, nông trường đã cho dừng hoạt động khai thác, thu gom đá ba dan. Chúng tôi mới làm thí điểm nên chưa báo với chính quyền địa phương. Số đá khai thác được, chúng tôi đã vận chuyển ra khỏi tán rừng cao su, tập kết ngoài hành lang bảo vệ rừng chứ không vận chuyển đi nơi khác”, ông Hàm nói.

Trao đổi với phóng viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị Văn Đức Dũng xác nhận công ty có chủ trương giao cho các nông trường cao su ở địa bàn huyện Gio Linh cải tạo đất, múc đá để phục vụ cơ giới hóa sản xuất. Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc xử lý số đá này như thế nào, ông Dũng nói: “Cái đó thì nông trường tự chủ động thu xếp”.

Cả khai thác và cắt chẻ đá đều trái pháp luật

“Việc tự ý khai thác, thu gom đá ba dan khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật. UBND xã đã yêu cầu nông trường dừng việc khai thác đá ba dan và có trách nhiệm quản lý số đá đã thu gom, tập kết trên”, Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song nói.

Đối với trường hợp Công ty TNHH Song Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã Đỗ An Chung khẳng định công ty này hoạt động kinh doanh chưa đúng ngành nghề đã đăng ký và xưởng đá cắt cũng chưa có giấy phép hoạt động. Sau khi xưởng đá cắt đi vào hoạt động, UBND xã đến kiểm tra thì ông Dương Quốc Tráng cho hay đang thực hiện các thủ tục pháp lý để được cấp giấy phép. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm nhưng ông Tráng vẫn chưa có giấy phép hoạt động.

Những tảng đá mồ côi được khai thác, nằm lăn lóc dưới tán rừng cao su - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Những tảng đá mồ côi được khai thác, nằm lăn lóc dưới tán rừng cao su - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Cũng theo ông Chung, vào tháng 6/2023, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, trên địa bàn xã Gio Sơn có 12.449 m3 đá ba dan đã được thu gom, tập kết; trong đó có gần 6.000 m3 đá không có giấy phép. Trong số đá không có giấy phép này, có đến 4.000 m3 là của Công ty TNHH Song Minh Tiến.

Liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gio Linh Nguyễn Văn Thiện cho biết, việc các nông trường tự ý đưa máy móc, nhân công vào khai thác, thu gom, vận chuyển đá ba dan trong các vườn cao su là không đúng quy định pháp luật.

Được biết, ngày 27/12/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4809/STNMT-KSN về việc tăng cường quản lý khai thác, chế biến đá ba dan trên địa bàn tỉnh.

Trong văn bản này, Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Việc khai thác đá ba dan, granit làm thất thoát rất lớn nguồn tài nguyên, có thể thất thu thuế, gây nguy cơ sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến các công trình và đặc biệt là việc khai thác trái phép, vi phạm các quy định pháp luật. Các tổ chức, cá nhân có thể khai thác tận thu đá ba dan nằm rải rác trong vườn nhà, trang trại, vườn đồi... Tuy nhiên, cần phải lập hồ sơ và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và pháp luật liên quan.

Ông Thiện cho biết thêm, ngày 14/2/2023, UBND huyện Gio Linh có văn bản số 132/UBND-TN về việc quản lý khai thác, chế biến đá ba dan trên địa bàn huyện. Tại văn bản này, UBND huyện Gio Linh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét trình UBND tỉnh đồng ý cho những hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được phép thu gom đá ba dan và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Tuy nhiên, đến hiện nay huyện vẫn chưa nhận được phản hồi từ Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-quan-ly-de-viec-khai-thac-cat-che-da-ba-dan-dung-phap-luat-186570.htm