Đà Nẵng quyết tâm không để dịch bệnh lây từ 'vùng đỏ' sang 'vùng vàng'
Đà Nẵng đã hoàn thành đợt 5 xét nghiệm đại diện hộ gia đình, tuy vậy vẫn ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới không xác định nguồn lây, điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiều F0 ở cộng đồng.
Chiều 2/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng từ 13 giờ ngày 1/9 đến 13 giờ ngày 2/9, Đà Nẵng ghi nhận 42 trường hợp mắc COVID-19. Trong số đó, 22 trường hợp đã cách ly tập trung, 6 trường hợp cách ly tại nhà hoặc tạm cách ly tại nhà, 12 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 2 trường hợp xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Hiện, Đà Nẵng có 5/7 quận, huyện ghi nhận số ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), trong đó các quận, huyện ghi nhận số ca nguy cơ lây lan cao nhất là quận Thanh Khê (9 ca), quận Hải Châu (5 ca).
Trong 42 ca mắc COVID-19, có 20 trường hợp ít có khả năng lây cho cộng đồng, 22 trường hợp có khả năng lây cho cộng đồng.
Đà Nẵng hiện có 10 xã, phường không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp gồm: Nam Dương, Phước Ninh (quận Hải Châu); Hòa Khê (quận Thanh Khê); Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang); Mân Thái, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà).
Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận nhận 4.146 ca mắc COVID-19.
Trong ngày 31/8, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 141.284 lượt người; phát hiện, cách ly 68 F1, 80 F2; đang điều trị 2.079 bệnh nhân, 127 bệnh nhân khỏi bệnh, 4 bệnh nhân tử vong. Hiện, thành phố có 250 khu vực “vùng đỏ."
Thực hiện Kế hoạch 158/KH-UBND: Đợt 1 (từ ngày 28/8-30/8), thành phố xét nghiệm 303.626 lượt người (đạt tỷ lệ 100.4%), phát hiện 18 ca mắc. Đợt 2 (từ ngày 31/8-2/9), tính đến ngày 2/9, thành phố đã xét nghiệm 255.397 lượt người (đạt tỷ lệ 85,0%), phát hiện 2 ca mắc, 4.193 lượt người chưa có kết quả.
Đánh giá tình hình dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho rằng hiện thành phố đã hoàn thành đợt 5 xét nghiệm đại diện hộ gia đình, tuy vậy vẫn ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới không xác định nguồn lây, điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiều F0 ở cộng đồng.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Đà Nẵng ghi nhận 37 trường hợp dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung, việc lây nhiễm có thể xảy ra ở các khâu cách ly. Trước tình hình này, các cơ sở cách ly tập trung cần rà soát, kiểm tra lại quy trình cách ly, tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến các trường hợp dương tính sau khi về nhà.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay trong ngày số ca mắc ghi nhận giảm, tuy nhiên các đơn vị, địa phương không thể chủ quan, hiện có một số mẫu chùm nghi ngờ cần kiểm tra lại và phát sinh điểm nóng mới.
Liên quan đến việc các ca mắc COVID-19 phát sinh sau khi cách ly, ông Quảng đề nghị ngành y tế triển khai đánh giá quy trình, giám sát tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn, đặc biệt kiểm tra việc tiếp xúc giữa những người cách ly trong khu này.
Ngoài ra, ngành y tế nghiên cứu, xem xét hiệu quả việc cách ly tại nhà để có phương án tham mưu cho lãnh đạo thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các địa phương lưu ý trong việc ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh trong khu phong tỏa nhất là tại các ngõ hẻm, khu chung cư. Điển hình như quận Thanh Khê đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhưng vẫn phát sinh các ca mắc mới. Dó đó, các quận, huyện cần chủ động áp dụng các biện pháp giãn cách các nhân khẩu trong khu vực này.
“Các địa phương không được để lây bệnh từ “vùng đỏ” sang “vùng vàng” và “vùng xanh," Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu.
Liên quan đến việc tiêm vaccine, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ hiện thành phố vừa nhận 108.000 liều vaccine, theo thông tin mới nhất thành phố sắp nhận lượng vaccine khá lớn. Vì vậy, các quận, huyện tập trung lập danh sách các đối tượng tiêm, không để sót; việc tiêm đúng, đủ cho các đối tượng theo quy định là trách nhiệm của địa phương.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế tiếp tục triển khai nhiều điểm tiêm, có phương án đưa các điểm tiêm xuống sát với cơ sở và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tại trạm y tế xử lý tình huống trong quá trình tiêm, làm được điều này thì công tác tiêm sẽ nhanh hơn, hạn chế người đi tiêm.
Phát biểu kết luận, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị các địa phương giãn cách số người tại các khu phong tỏa, khu cách ly; tuyên truyền cho người dân khai báo triệu chứng ho, sốt cho các cơ sở y tế gần nhất; Sở Y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm và tiêm vaccine trong thời gian tới.
Các địa phương khẩn trương lập danh sách tiêm vaccine, thành lập ban chỉ đạo, quy chế, phân công cụ thể; rà soát kiện toàn lại tổ COVID-19 cộng đồng./.
Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 18h ngày 2/9
Đà Nẵng
- Số ca nhiễm: 4.907 ca
- Số ca tử vong: 70 ca
- Số tiêm chủng: 211.408 liều
Trong nước:
- Số ca nhiễm: 473.530 ca
- Số ca tử vong: 11.868 ca, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh: 9.554 ca; Thủ đô Hà Nội: 41 ca.
- Số ca khỏi bệnh: 238.860 ca.
- Số tiêm chủng: 20.210.381 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.483.818 liều, tiêm mũi 2 là 2.726.563 liều.
Thế giới:
- Số ca nhiễm: 219.359.741
- Số ca tử vong: 4.546.830
- Số ca hồi phục: 196.173.588