Đà Nẵng sẵn sàng sơ tán hơn 92.000 dân để phòng tránh bão số 13
Các quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sẵn sàng di dời, sơ tán 18.889 hộ với 92.631 dân (gồm di dời tập trung và di dời tại chỗ) theo phương án đã được Chủ tịch UBND các quận, huyện phê duyệt để phòng tránh bão số 13, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Đà Nẵng cho hay, tính đến 9h sáng nay 14/11, các quận, huyện trên địa bàn đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sẵn sàng di dời, sơ tán 18.889 hộ với 92.631 dân (gồm di dời tập trung và di dời tại chỗ) theo phương án đã được Chủ tịch UBND các quận, huyện phê duyệt để phòng tránh bão số 13, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Theo đó, quận Hải Châu dự kiến di dời 399 hộ/1.591 người; quận Thanh Khê 870 hộ/3.208 người; quận Sơn Trà 1.653 hộ/6.870 người; quận Ngũ Hành Sơn 586 hộ/2.478 người; quận Liên Chiểu 9.795 hộ/59.192 người; quận Cẩm Lệ 1.525 hộ/5.433 người; huyện Hòa Vang 4.061 hộ/13.859 người. Đối tượng sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiên cố, nhà tạm.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng cũng cho biết, tổng số phương tiện khai thác thủy hải sản của ngư dân Đà Nẵng là 1.242 tàu thuyền/7.430 lao động. Đến 9h sáng 14/11 đã có 1.240 tàu thuyền/7.413 lao động đang neo đậu tại bến. Ngoài ra có 02 tàu/17 lao động đang hoạt động ở khu vực biển Vũng Tàu, nằm ngoài khu vực nguy hiểm. Tất cả các tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng đều đã nắm được thông tin về bão để chủ động phòng tránh.
Trước đó, ngày 13/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ra Quyết định số 4352/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ huy Tiền phương TP Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 13 (bão Vamco) do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành.
Ban Chỉ huy tiền phương có nhiệm vụ chỉ huy phòng, chống ứng phó với bão và các sự cố tìm kiếm cứu nạn xảy ra trong bão trên địa bàn TP Đà Nẵng; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 13.
Đồng thời UBND TP Đà Nẵng t Thành lập 03 Đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, Hồ Kỳ Minh và Trần Văn Miên làm Trưởng đoàn, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương để kiểm tra thực tế công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 13.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng cho hay, theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, lúc 8h sáng 14/11, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 15.70N; 111.20E, cách Đà Nẵng khoảng 322km, cách Thừa Thiên Huế khoảng 416km, Quảng Trị khoảng 467km. Sức gió mạnh nhất: cấp 14, giật cấp 17.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/h. Dự báo trong 12 đến 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần. Đến 04h ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 13 sau kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 - 16/11, tại TP Đà Nẵng có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm.
Mực nước lúc 07h ngày 14/11 trên các sông như sau: Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 7.43m – dưới báo động 2 (BĐ2): 0.57m; Sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ 0.90m – dưới BĐ1: 0.1m. Từ ngày 14-16/11, trên sông Vu Gia và các sông TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức BĐ2- BĐ3, các sông thuộc Đà Nẵng ở mức BĐ1- BĐ2.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối, vùng núi huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Sơn Trà. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt khu vực ven sông, ngập úng vùng trũng thấp và khu đô thị, đặc biệt là huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.