Đà Nẵng sẽ nới lỏng giãn cách, mở lại nhiều hoạt động
Thành phố Đà Nẵng sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, mở lại nhiều hoạt động, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Chiều 24/9, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Khoảng 160 doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự hội nghị trực tiếp và trực tuyến. Các doanh nghiệp này đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Đà Nẵng, đồng thời kiến nghị các biện pháp khôi phục sản xuất kinh doanh. Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng khẳng định thành phố sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, mở lại nhiều hoạt động, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng bày tỏ, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cảm ơn lãnh đạo thành phố luôn đồng hành với doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ người nước ngoài trong thời gian cách ly. Theo Ông Ikeda Naoatsu, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh kéo dài.
Đại diện Công ty LG Việt Nam cho rằng, các biện pháp phòng chống dịch của thành phố là rất tốt, kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, do thực hiện quy định “ai đâu thì ở đó” kéo dài khiến lượng lớn nhân viên ở các tỉnh thành phố không thể di chuyển về Đà Nẵng để làm việc.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc đối ngoại cấp cao Heineken - Việt Nam, Giám đốc Công ty Heineken tại Đà Nẵng cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Ông Phúc đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” rất khó thực hiện trong thời gian dài. Ông Phúc cho biết, 1000 nhân viên của doanh nghiệp tham gia hoạt động theo mô hình này nhưng không thể kéo dài được nữa.
Ông KIM JINMO, Phó Giám đốc cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng cho rằng, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của thành phố, tin tưởng thành phố sẽ có những biện pháp linh hoạt hơn trong phòng, chống dịch. Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chính sách giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 đang giảm dần thời gian gần đây cho thấy hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các công ty cũng rơi vào thế bị động khi các chính sách phòng chống dịch ban hành và áp dụng quá nhanh khiến doanh nghiệp không kịp thích ứng và thay đổi.
Ông KIM JINMO, Phó Giám đốc cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng nói: “Trong công tác phòng chống dịch, qua nhiều đợt dịch cách phản ứng của Đà Nẵng rất nhanh và các chính sách của Đà Nẵng đưa ra rất quyết liệt, có hiệu quả rất cao, ngăn chặn dịch rất nhanh so với các tỉnh, thành phố khác. Nên đưa ra những kịch bản để các doanh nghiệp có thể biết trước những tình huống và họ sẽ có biện pháp phù hợp”.
Nhiều doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng cho rằng, khi phát sinh ca mắc Covid-19 trong doanh nghiệp, thành phố yêu cầu dừng sản xuất ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. Doanh nghiệp mong muốn thành phố cho phép các doanh nghiệp được hoạt động lại 100% công suất, bởi thời gian qua, nhiều khách hàng ra đi, thu nhập của nhân viên cũng giảm đi rất nhiều. Có doanh nghiệp nêu thực tế, thời gian qua doanh nghiệp làm thủ tục xin giấy thông hành cho hàng ngàn lao động tốn rất nhiều thời gian nhưng cũng không kịp tiến độ. Hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng đề nghị thành phố mở rộng đối tượng được cấp giấy thông hành; Quy trình cấp giấy thông hành cần rõ ràng, đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động.
Về vấn đề nhập cảnh, cách ly chuyên gia, kỹ sư cao cấp, các doanh nghiệp đề nghị thành phố sớm nối lại các chuyến bay, rút ngắn thời gian cách ly, dựa vào số mũi tiêm vaccine và số lần xét nghiệm PCR.
Theo ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng thì các quy định về di chuyển, lưu thông hàng hóa cần được áp dụng thống nhất trong cả nước; tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa khác nhau, gây ách tắc khi vận chuyển hàng hóa qua các địa phương.
Ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam tại Đà Nẵng đề nghị: “Chúng tôi ghi nhận và cảm ơn chính quyền thành phố tạo điều kiện tiêm vacine cho công nhân để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay dịch cơ bản được khống chế, mong thành phố tiếp tục tạo điều kiện tiêm vaccine cho công nhân, nâng số lượng công nhân làm việc. Đặc biệt, cần có các chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn, doanh nghiệp xanh thì cần làm gì, như thế nào và có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao những ý kiến chia sẻ đầy trách nhiệm, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp đối với những khó khăn chung mà thành phố và cả nước đang đối mặt trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay cũng như những đề xuất, hiến kế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, những ý kiến tâm huyết đó sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố nghiên cứu và sớm ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam mà Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Kể từ ngày 3/5/2021, Đà Nẵng ghi nhận hơn 4.800 ca nhiễm cùng sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và phức tạp.
Trong bối cảnh đó, thành phố áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, được sự đồng thuận ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đến nay có thể khẳng định, thành phố đã kiểm soát được dịch, giữ an toàn cho người dân; thành phố có đủ năng lực từ xét nghiệm, xử lý các ổ dịch, điều trị và tiêm vaccine đạt 70%. Việc áp dụng biện pháp mạnh trong thời gian qua đã cơ bản đi đúng hướng, tình hình an ninh trật tự, an sinh xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, Lãnh đạo thành phố nhận thức rằng những giải pháp này chỉ có ý nghĩa và chỉ khả thi trong một thời gian ngắn bởi vì những tác động của nó ảnh hưởng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng nặng nề.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận thức được những khó khăn của doanh nghiệp, đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như chi phí xét nghiệm, chi phí thuê mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho lao động ngừng việc, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Lãnh đạo thành phố cảm ơn sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ các biện pháp chống dịch của thành phố, chủ động có giải pháp linh hoạt, thích ứng, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã có những hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng và xã hội, tích cực hỗ trợ thành phố về máy móc, thiết bị, vật tư y tế và nhu yếu phẩm, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp với xã hội.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và cho chủ trương quan trọng liên quan đến áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tinh thần mở lại nhiều hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh để duy trì hiệu quả công tác phòng chống dịch. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong thời gian tới thành phố sẽ mở lại nhiều hoạt động theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ với những điều kiện cụ thể.
UBND thành phố sẽ ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thành phố; đặc biệt, triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành và khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực thành phố, với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ các ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế. Trước mắt, đến đầu tháng 10 tới, thành phố đảm bảo người lao động được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng ngừa dịch COVID-19 hướng đến tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021; hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, hướng dẫn rõ đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi phát hiện ca bệnh tại doanh nghiệp…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị chính quyền thành phố ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, hướng đến sớm hình thành công dân xanh, doanh nghiệp xanh, xã hội xanh, tăng cường chuyển đổi số; phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký/mở rộng đầu tư, hải quan, giấy phép lao động.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Văn Quảng cam kết, thành phố tiêm đủ tối thiểu 1 mũi vaccine cho toàn dân thành phố, bao gồm cả công nhân trong các khu công nghiệp; Thành phố sẽ hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, sẽ thành lập đội phản ứng nhanh về y tế hỗ trợ cho doanh nghiệp khi có dịch xảy ra…; các khoản chi phí này dự kiến hơn 500 tỷ đồng.
“Thành phố sẽ ứng dụng mạnh mẽ Công nghệ thông tin trong quản lý phòng chống dịch để sớm hình thành công dân xanh và doanh nghiệp xanh. Tới dây các doanh nghiệp trên cơ sở tiêu chí phòng chống dịch để đăng ký thành doanh nghiệp xanh. Khi đó, sẽ có những điều kiện trong hoạt động và sự hỗ trợ của thành phố. Thành phố cam kết đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt phân cấp, ủy quyền cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động thành lập doanh nghiệp, đăng ký mở rộng đầu tư rồi các giấy phép có liên quan”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị đối thoại hôm nay, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch bệnh trong dài hạn để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh được ổn định.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng mong muốn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong từng đơn vị, doanh nghiệp; đặc biệt, sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch; tăng cường tuyên truyền làm cho người lao động thấy được việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình, doanh nghiệp trong sinh hoạt và làm việc; đặc biệt là cần tạo ra thói quen và cộng đồng; chăm lo đời sống, chế độ cho người lao động đảm bảo quy định./.