Đà Nẵng sơ tán gần 5.400 người khỏi vùng ngập lụt
Tính đến chiều tối ngày 14/10, có 5.369 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhiều nhất với 3.200 người được sơ tán.
Ghi nhận đến chiều nay, tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều điểm ngập sâu trong nước, có điểm ngập đến 1,5 m.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ đêm 14/10 đến chiều 16/10, Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm, có nơi trên 500 mm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng vào trưa 14/10, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục rà soát các địa bàn xung yếu, nếu người dân nào đang ở trong khu vực vùng nguy hiểm thì phải khẩn trương sơ tán.
"Tối qua (13/10) khu vực đường Mẹ Suốt, nước trên mặt đường ngập khoảng 70-80 cm. Nếu chiều, tối nay có mưa lớn thì khả năng nước còn lên nữa, số lượng người dân phải sơ tán rất đông. Các địa phương phải bảo đảm nhu yếu phẩm, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét", ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu, các đơn vị liên quan tiếp tục tổng rà soát lại các điểm ngập úng của đợt mưa năm nay cũng như năm trước để có đề xuất phương án xử lý, sớm báo cáo về UBND Thành phố.
Ông Lê Trung Chinh thống nhất đề xuất của Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng về việc điều động lực lượng đóng tại các điểm ngập sâu, như khu vực Khe Cạn (quận Thanh Khê), đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu), đường Nguyễn Nhàn (quận Cẩm Lệ).
Đồng thời, điều động 50 thành viên thuộc lực lượng cứu hộ biển của Sở Du lịch đưa về các quận để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán nhân dân tại các khu vực ngập sâu.
Giao chủ tịch UBND các quận điều hành, tổng chỉ huy các lực lượng quân đội, công an, cứu hộ biển, các đội cứu hộ tình nguyện... để dễ dàng huy động.
Đồng thời, cũng yêu cầu Sở Xây dựng điều động 100% cán bộ, công chức, viên chức xuống các địa bàn kiểm tra hệ thống thoát nước, huy động các phương tiện, máy bơm chống ngập lưu động về các điểm ngập sâu. Sở TN&MT chỉ đạo Công ty Môi trường huy động công nhân thu gom rác tại các đường, điểm ngập để khơi thông và phòng, chống ngập úng.
Huy động trên 4.600 cán bộ, chiến sỹ
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố đã điều động 433 cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng đã điều động 200 lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển, các điểm sạt lở đường đèo Hải Vân.
Công an TP. Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ. Qua đó đã hỗ trợ sơ tán dân, di dời tài sản tại đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu.
Hiện Đà Nẵng có 11 vị trí ngập từ 1 m trở lên, trong đó có 5 vị trí tại phường Hòa Minh, 6 vị trí tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).
Tính đến chiều 14/10, có 5.369 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) chiếm số lượng nhiều nhất với 3.200 người được sơ tán.
Về thiệt hại, ghi nhận ban đầu có 9,5 ha rau màu bị ngập. Sạt lở tại Km 905 đường đèo Hải Vân và taluy đường ĐT 602 đoạn km 7+00.
Chiều 14/10, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cảnh báo, từ 16h ngày 14/10 đến 16h ngày 16/10, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có mưa to đến rất to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn tại Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi là cấp 2, Quảng Nam cấp 3, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cấp 4.