Đà Nẵng tăng cường phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Chiều 9/6, TP. Đà Nẵng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế 'Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng và đối ngoại nhân dân trong kết nối vận động nguồn lực'.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam khẳng định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là một động lực, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, tạo khung khổ pháp lý, và điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo"…nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế"...
TP. Đà Nẵng giữ vai trò trung tâm của khu vực Miền Trung-Tây nguyên, là một trong ba trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, với sự hình thành và phát triển không ngừng của các tổ chức hỗ trợ, các cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Là lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang nỗ lực để làm tốt vai trò cầu nối, kết nối các đối tác Việt Nam với các đối tác quốc tế với mục tiêu chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
"Hội thảo là cơ hội để cùng chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận về chính sách cũng như thực tiễn triển khai chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng và đặc biệt là tham khảo các mô hình, kinh nghiệm của một số nước ở châu Âu, châu Á có thế mạnh và đã đạt nhiều thành tựu trong xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết.
Phát triển thành trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP. Đà Nẵng đã hình thành và phát triển với nhiều thành tố đa dạng được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.
Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch để đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả tích cực, đi vào chiều sâu, được ghi nhận và có nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từng bước được đầu tư, xây dựng. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng, trong đó đã có một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nền tảng công nghệ cao, bắt kịp xu hướng phát triển nhất là trong các lĩnh vực về công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...đã thu hút được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Với các kết quả đạt được, thành phố đã hai lần được nhận giải thưởng "Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" các năm 2020 và 2022.
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp tục đề xuất Trung ương hỗ trợ phát triển Đà Nẵng "trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", trước mắt là thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng và cho phép triển khai áp dụng một số cơ chế chính sách ưu đãi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố.
Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho hay, TP. Đà Nẵng có vị trí quan trọng tại miền Trung, quy tụ được rất nhiều nguồn nhân lực, có thể kết nối các tỉnh thành trong cả nước cũng như quốc tế tạo thành hệ sinh thái, giúp các starup mở rộng thị trường, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
Đà Nẵng có khu công nghệ cao là khu công nghệ cao quốc gia đa chức năng thứ 3 của Việt Nam với mục tiêu thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước; thành phố tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng danang smart city với các ứng dụng phục vụ đời sống người dân như ứng dụng góp ý, cứu hộ, ứng dụng dữ liệu mở, dịch vụ công…
"Để Đà Nẵng thu hút, trở thành trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thì có thể sử dụng một số một số mô hình starup thí điểm như: Cho phép thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới tại đại phương, ví dụ như chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho công nghệ tự động, AI, tương tác từ xa…; đào tạo thí điểm nguồn nhân lực để tạo thành champion tiêu biểu về đổi mới sáng tạo; kết nối giá trị, chuỗi cung ứng, phân phối siêu thị, thử nghiệm, thí điểm các mô hình sản phẩm, dịch vụ mới xây dựng bản đồ khởi nghiệp sáng tạo tại khu vực, đưa starup Đà Nẵng đi quốc tế thông qua Techfest; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động liên kết trong nước và quốc tế…", ông Trần Xuân Đích chia sẻ.