Đà Nẵng tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi
TP Đà Nẵng cam kết ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế khi mở cửa trở lại các hoạt động
Ngày 24-9, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp (DN), qua đó công bố các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN và người lao động phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Sớm mở cửa để thông thương
Tại buổi đối thoại, ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng, kiến nghị lãnh đạo TP cần xây dựng cơ chế "thẻ xanh Covid-19" để sớm đưa DN hoạt động bình thường. Khi hoạt động trở lại, DN cần hỗ trợ nhiều cơ chế như vốn vay, chuyên môn y tế để xử lý khi phát sinh F0.
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng, mong muốn TP sớm xây dựng các kịch bản chống dịch trong giai đoạn mới cùng các chính sách để cộng đồng DN nắm rõ. "Nhất là ban hành chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng vay ưu đãi, DN được vay không thế chấp. Ngoài ra, cần có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trước ảnh hưởng dịch Covid-19 và không điều chỉnh tăng giá đất trong giai đoạn này" - bà Phương nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, hiệp hội kiến nghị giảm 50% thuế GTGT, thuế thu nhập; giãm lãi suất cho vay ở tất cả các khoản; miễn chi phí kiểm định, phí đường bộ.
Hiện DN của ông Nguyễn Văn Hiền kinh doanh ở các tỉnh miền Trung nhưng hơn 3 tháng qua, ông không thể rời Đà Nẵng để đi công tác ở các địa phương khác vì thủ tục rắc rối. Ông đề nghị TP Đà Nẵng sớm có cơ chế mở cửa để tạo điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh, thành lân cận.
Trong khi đó, ông Trần Minh Dõng, Tổng Giám đốc Công ty Viettronimex Đà Nẵng, kiến nghị TP xây dựng các phương án lấy "phòng" làm gốc, thực hiện mạnh mẽ 5K và tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Để giảm áp lực cho DN, chính quyền địa phương cần cho người dân và DN tự xét nghiệm để phân loại F0, thu hẹp vùng phong tỏa...
Cam kết đơn giản hóa thủ tục
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, đã công bố các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN và người lao động phục hồi sản xuất - kinh doanh mà các sở, ngành đã nghiên cứu để áp dụng trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ 30% phần lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ được vay Quỹ Đầu tư Phát triển với lãi suất 0% trong thời gian 24 tháng.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng cam kết hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm cho lao động của DN theo kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế; hỗ trợ tiêm vắc-xin cho lao động mới. TP còn nghiên cứu điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất có vị trí đặc biệt, điều chỉnh, bổ sung hệ số phân vệt khu đất theo chiều sâu thửa đất; cho giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng dịch Covid-19; cho phép gia hạn thuê đất thêm 1 năm đối với DN thuê đất theo hiện trạng sử dụng.
Để DN tiếp cận được các thủ tục, UBND TP sẽ thành lập các đường dây nóng công khai. Nếu có vướng mắc, các DN có thể gửi thẳng cho sở, ngành hoặc lãnh đạo TP. Ông Minh cũng cam kết UBND TP sẽ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn về lãi suất, vốn vay cho DN.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - HĐND sẽ sớm thông qua những chính sách mà UBND TP đề xuất. Hiện có đến 13 chính sách hỗ trợ DN mà HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành, đang có hiệu lực nhưng chưa đi vào thực tiễn và chưa có nhiều DN được thụ hưởng.
Đơn cử như chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ mỗi năm 50 tỉ đồng đã có hiệu lực 4 năm nay mà chỉ có 2 DN tiếp cận được với số tiền không đáng kể. Chính quyền TP sẽ yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục để DN sớm tiếp cận được cách chính sách và đề nghị DN cần tìm hiểu kỹ để được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, đề nghị UBND TP khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội TP đến hết năm 2022, cần nêu rõ trách nhiệm của TP và trách nhiệm của DN, người dân. Bên cạnh đó, UBND TP cần đẩy nhanh hoàn thành lập quy hoạch 12 phân khu làm cơ sở xác định địa điểm các dự án cần kêu gọi đầu tư nhằm tạo động lực phát triển.
Về phía cộng đồng DN, Bí thư TP Đà Nẵng đề nghị chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch bệnh trong dài hạn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết sở này sẽ triển khai app đồng bộ 3 dữ liệu: thông tin tiêm vắc-xin, thông tin xét nghiệm và vùng đang ở đối với mỗi cá nhân. Đây là điều kiện để người dân tham gia các hoạt động như đi làm, đi chợ, siêu thị hay tới các nhà hàng. App này dùng để truy vết như “thẻ xanh Covid-19”.
Kiến nghị bỏ giấy đi đường
Ông Kim Jin-mo, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng, cho biết các biện pháp phòng chống dịch mà địa phương ban hành và áp dụng trong thời gian ngắn khiến DN không kịp thay đổi. Ông Kim Jin-mo đề nghị TP Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch thì cần xây dựng kịch bản "sống chung với dịch" để vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch.
Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng, cho hay nhiều DN FDI trên địa bàn bị đứt gãy chuỗi cung ứng, không nhập được nguyên vật liệu từ các địa phương khác. Nếu TP Đà Nẵng không có sự lưu thông kết nối với TP Hà Nội và các tỉnh, thành phía Nam thì rất khó cho các DN. Bên cạnh đó, ông Ikeda Naoatsu cũng đề nghị TP Đà Nẵng hủy bỏ giấy đi đường vì thực tế nhiều DN phải mất thời gian khi làm thủ tục xin giấy, nên thay bằng các loại giấy tờ khác như là chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/da-nang-tao-da-cho-doanh-nghiep-phuc-hoi-20210924211358287.htm