Đà Nẵng - Thành phố động lực của miền Trung
45 năm sau ngày giải phóng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, Đà Nẵng vươn lên thành TP đáng sống, khẳng định vị trí địa chính trị xung yếu và đang chuyển mình mạnh mẽ để xứng danh là TP động lực miền Trung.
Phát triển nhanh, mạnh và đúng hướng
45 năm kể từ ngày giải phóng (ngày 23/3/1975), quân và dân Đà Nẵng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho một TP giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại như ngày hôm nay.
Đặc biệt, hơn 20 năm qua, kể từ ngày trở thành TP trực thuộc T.Ư (năm 1997), Đà Nẵng không ngừng phát triển về mọi mặt. Đô thị được quy hoạch, chỉnh trang quy mô lớn, không gian đô thị không ngừng được mở rộng. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, liên tục dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về các chỉ số phát triển kinh tế như GDP, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index), thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.300 USD, tăng lên hàng chục lần so với năm 1997.
Trong đó, động lực để Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay chính là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (gọi tắt Nghị quyết số 33) về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ban hành ngày 16/10/2003.
Thực hiện Nghị quyết số 43, Đà Nẵng tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương tiên phong trong quy hoạch và phát triển đô thị, cải cách hành chính và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33, Đà Nẵng được xem là TP đáng sống, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.
Tại buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 13/12/2018, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đà Nẵng đã phát triển nhanh, mạnh và đúng hướng.
Bộ mặt TP ngày càng được chỉnh trang, đẹp đẽ hơn; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; các chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người có nhiều tiến bộ. Đà Nẵng là TP điển hình cho sự năng động, sáng tạo, phát huy tốt các nguồn lực tại chỗ, nhất là TP đã phát triển tương đối hài hòa giữa kinh tế và quản lý đô thị với văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh, không để xảy ra vụ việc phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, điểm sáng lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là TP đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả lĩnh vực; nhất là môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đô thị Đà Nẵng mang tầm vóc quốc tế với cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại hóa. Về định hướng phát triển giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đà Nẵng cần tập trung phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao, từng bước trở thành trung tâm hội nghị quốc tế của cả nước và của cả khu vực.
Động lực mới cho Đà Nẵng
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều vấn đề đã và đang trở thành lực cản đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Đơn cử như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại (tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2019 giảm gần 3% so với kế hoạch đề ra.
Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, vệ sinh môi trường. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu bức thiết phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để Đà Nẵng giải tỏa các điểm nghẽn về không gian phát triển.
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) có Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết số 43) về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn. Nghị quyết số 43 đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một TP cảng biển.
Về du lịch, ngoài du lịch thông thường thì cần tập trung phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế. Về công nghiệp, vì Đà Nẵng rất có lợi thế về du lịch nên để bảo đảm môi trường sinh thái thì phải tập trung phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng. Do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics.
Ngay sau khi có Nghị quyết số 43, Đà Nẵng khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hàng loạt các hội nghị, hội thảo, thảo luận, đánh giá quy hoạch chung của TP, với mục tiêu nhận được các ý kiến đóng góp, phân tích từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan T.Ư, các sở, ngành tại địa phương… để lựa chọn phương án phù hợp nhất, bền vững nhất cho quy hoạch chung của TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đã mở ra cho Đà Nẵng một không gian phát triển mới, không gian mở, chiến lược, các chính sách phát triển TP đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/da-nang-thanh-pho-dong-luc-cua-mien-trung-382673.html