Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc di dời khu tập thể, chung cư xuống cấp
Tại TP. Đà Nẵng, hàng loạt khu tập thể, chung cư quá thời hạn sử dụng, xuống cấp đã có kế hoạch di dời từ nhiều năm trước. Thế nhưng đến nay, hàng trăm hộ dân sống trong những căn hộ xập xệ, xuống cấp chưa được di dời thấp thỏm lo âu.
Khu chung cư Thuận Phước ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng chủ yếu bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa, di dời để thi công dự án đường Nguyễn Tất Thành. Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, chung cư này hiện xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục hư hỏng, tường bong tróc, nhà vệ sinh thấm dột, một số nơi bị nứt tường trần nhà không đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Bảo, ở chung cư Thuận Phước cho biết, chất lượng công trình kém nên xuống cấp rất nhanh. Bà con sống nơi đây luôn nơm nớp lo sợ, nhất là vào mùa mưa bão. Mong muốn của người dân là nhà nước sửa chữa triệt để hoặc di dời đến nơi mới để đảm bảo an toàn.
“Những mảng tường mục, bong tróc ra hết, nhà vệ sinh ẩm thấp, sàn nhà đều bị thấm, nhất là hộp kỹ thuật kéo từ tầng ba xuống bị rò rỉ nên thấm ra ngoài tường. Bà con đều có nguyện vọng đi đến ở chỗ mới nhưng ở trung tâm thôi, bây giờ đi đến ở chỗ mới là thay đổi đời sống của họ”, ông Bảo nói.
Địa bàn quận Hải Châu có 21 khu chung cư, tập thể xuống cấp với 141 hộ dân sinh sống, là địa phương có số nhà tập thể xuống cấp nhiều nhất tại TP. Đà Nẵng. Hầu hết các khu tập thể đều được xây dựng trước năm 1975 hiện đã quá niên hạn sử dụng.
Đến nay, mới có 40 hộ được di dời, số còn lại tiếp tục ở trong căn hộ xuống cấp. Nguyên nhân chậm di dời do trước đây thành phố có chủ trương bố trí đất tái định cư cho các hộ dân. Tuy nhiên, qua rà soát, pháp luật hiện hành về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất không quy định việc giao đất cho người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị thu hồi, tháo dỡ. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng đã hủy bỏ chủ trương trên.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, do các nhà tập thể sử dụng quá lâu, nhiều căn hộ đã sang nhượng, cho thuê lại nhiều lần, lịch sử hồ sơ pháp lý các căn hộ chung cư này rất phức tạp, chưa rõ ràng nên cần có thời gian xác minh tính pháp lý: “Hiện tại, quận đang phối hợp với Sở Xây dựng đang tập trung làm rõ tính pháp lý của hộ dân thực ở và hộ dân theo hồ sơ tại các khu này. Qua đó, xác định rõ chủ hộ lúc đó mới kiểm đếm và qui chủ. Sau xin chủ trương thành phố xác định rõ chủ hộ, cũng như áp dụng chính sách cho đối tượng một cách hợp pháp, hợp lý”.
TP. Đà Nẵng hiện đang thực hiện di dời, giải tỏa 25 khu tập thể xuống cấp với 172 hộ dân nhưng đến nay mới có 63 hộ di dời. Theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, thành phố thống nhất chủ trương bố trí cho thuê căn hộ chung cư hoặc hỗ trợ 60% giá trị đất, nhà cho những hộ dân để giải tỏa các khu nhà tập thể xuống cấp nguy hiểm.
Tuy nhiên, nhiều hộ chưa đồng thuận, chưa chấp hành di dời. Một số hộ còn khiếu nại, kiến nghị tập thể nên công tác di dời bị kéo dài. UBND TP. Đà Nẵng giao quận Hải Châu tiếp tục vận động người dân chấp hành việc di dời. Nếu các hộ vẫn không chấp hành bàn giao nhà, đề nghị thành phố ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, trước mắt, trong năm nay tập trung di dời các hộ dân ở nhà tập thể xuống cấp thuộc nhóm D - nhóm cực kỳ nguy hiểm: “Quan điểm của Lãnh đạo thành phố là đảm bảo an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu, không chỉ người dân sống trong khu tập thể xuống cấp mà cả người dân xung quanh. Do đó thành phố cũng chỉ đạo tập trung quyết liệt việc di dời, giải tỏa khu tập thể xuống cấp. Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố ban hành kế hoạch di dời, tập trung di dời 2 khối nhà tập thể cấp D và 14 khu nhà cấp C trong năm 2022 và 1 khu cấp B trong năm 2023”./.