Đà Nẵng thông qua nhiều quyết sách quan trọng

Sáng 24-3, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) thông qua nhiều quyết sách quan trọng.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết điều hành kỳ họp thứ 11.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết điều hành kỳ họp thứ 11.

Huy động vốn đầu tư khoảng 800 ngàn tỷ đồng

Sau khi xem xét, thảo luận, HĐND TP Đà Nẵng đã thống nhất thông qua Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Đà Nẵng được phát triển trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế miền Trung, tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột du lịch, kinh tế tri thức, trung tâm dịch vụ chất lượng cao. Trong giai đoạn này, Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng trung bình từ 9,5-10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 200-220 triệu đồng/người (tương đương 8.000-8.500 USD). Đến năm 2030, khối dịch vụ chiếm khoảng 61% trong cơ cấu kinh tế, khối công nghiệp -xây dựng khoảng 29%... Đà Nẵng cũng phấn đấu mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 11-12%/năm và huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 800.000 tỷ đồng (giá hiện hành).

Cũng theo quy hoạch TP Đà Nẵng, tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2021-2030 của Đà Nẵng đạt 2,9%/năm, trong đó tăng tự nhiên khoảng 1,35-1,4%/năm. Đến năm 2030, dân số thường trú và tạm trú trên địa bàn Đà Nẵng khoảng 1,56 triệu người, nếu tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người.

Điều chỉnh vốn đầu tư hàng loạt dự án

HĐND TP Đà Nẵng cũng thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 hiện còn khoảng 1.659 tỷ đồng dự phòng chưa phân bổ, lần này HĐND TP thống nhất phân bổ 386 tỷ đồng cho các công trình, dự án đủ điều kiện. Nguồn vốn khoảng 1.300 tỷ đồng còn lại chưa phân bổ, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo giải ngân hết (thời hạn chỉ còn khoảng 3 tháng). Về vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, HĐND TP thống nhất điều chỉnh, bổ sung theo hướng phân bổ ngân sách địa phương hơn 311 tỷ đồng cho 30 công trình, dự án đủ điều kiện; bố trí khoảng 100 tỷ đồng vốn thực hiện cho 24 dự án và 560 triệu đồng cho 12 dự án chuẩn bị đầu tư, dự án dân sinh của các quận. HĐND TP cũng thống nhất phân bổ lại chi tiết danh mục kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với 5 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, với tổng kế hoạch vốn phân bổ chi tiết hơn 406 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư cần đề xuất cân đối vốn trung hạn nhưng chưa có trong danh mục phân bổ vốn để đề xuất thực hiện phân bổ trong đợt điều chỉnh tiếp theo. Nổi bật như dự án Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước Khu công nghệ cao về kênh thoát lũ Hòa Liên. Ông Triết cũng lưu ý nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn phải được phân bổ trước kế hoạch vốn hàng năm, theo đúng trình tự thủ tục phân bổ vốn. Ngoài ra, cần lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để thống nhất, hạn chế bỏ sót, sửa đổi bổ sung nhiều lần.

Năm 2022, Đà Nẵng có 189 công trình, dự án được bố trí vốn thực hiện đã không thể giải ngân 766,317 tỷ đồng theo kế hoạch vốn dự toán giao. Nguyên nhân do dự phòng chưa phân bổ hơn 465; do thực hiện các ý kiến kết luận của Kiểm toán nhà nước như Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) gần 30 tỷ đồng, Nhà máy nước Hòa Liên hơn 16 tỷ đồng; do vướng giải phóng mặt bằng hơn 173 tỷ đồng ở các dự án Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Tuyến đường Trục I Tây Bắc, Nạo vét sông Cổ Cò... Với hơn 766 tỷ đồng không giải ngân này, UBND TP đề xuất hủy dự toán, đồng thời đề nghị cho phép bổ sung vào nguồn kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cũng năm 2022, Đà Nẵng có 105 công trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn dự toán giao không thể giải ngân hết kế hoạch được giao hơn 309 tỷ đồng do các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, quy trình, công tác giải phóng mặt bằng... UBND TP cũng đề xuất cho kéo dài thời gian thực hiện giải ngân các dự án này.

Đầu tư các dự án văn hóa, y tế cấp thiết

Trong kỳ họp này, HĐND TP Đà Nẵng cũng thông qua chủ trương đầu tư một số dự án cấp thiết. Cụ thể, thông qua chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (tại Phong Lệ) - giai đoạn đầu với tổng mức đầu tư không quá 140 tỷ đồng, mục tiêu tu bổ, bảo tồn toàn bộ các hạng mục, kết cấu di tích Chăm được khảo cổ phát lộ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ, đồng thời tạo thêm không gian trưng bày, triển lãm quảng bá các di sản vật thể văn hóa Chăm; tạo sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc. Thông qua chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm y tế (TTYT) Q. Ngũ Hành Sơn với tổng mức đầu tư không quá 545 tỷ đồng, quy mô 250 giường. Đây là công trình trọng điểm tạo động lực phát triển TP giai đoạn hiện nay. Hiện TTYT Ngũ Hành Sơn đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân cần cấp thiết cải tạo, nâng cấp.

Ngoài ra, trong Kỳ họp thứ 11, UBND TP Đà Nẵng cũng có tờ trình thông qua chủ trương đầu tư Dự án Trường liên cấp TH-THCS Hòa Thuận Đông và mở rộng K149 Lê Đình Lý, tuy nhiên HĐND TP chưa thông qua. Dự án này nằm trên khu “đất vàng” hơn 7 ngàn m2 đường Nguyễn Tri Phương được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Đà Nẵng. Dự án được đề xuất tổng mức đầu tư hơn 134 tỷ đồng, tạo cơ sở giáo giục cho khoảng 1.560 học sinh, giải quyết nhu cầu bức thiết về trường lớp (3 phường trong khu vực chưa có trường THCS). Tuy vậy, do đây là đất quốc phòng mới bàn giao cho TP, mới thống nhất chủ trương, chưa thu hồi đất, chưa điều chỉnh quy hoạch, về pháp lý chưa đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết, đây là dự án cử tri, người dân rất quan tâm, quan trọng phải tìm cách đẩy nhanh đầu tư. Theo quy hoạch cũ thì khu đất quốc phòng nhưng hiện đang triển khai phân khu quy hoạch khu vực này, sẽ trình lấy ý kiến quy hoạch trong quý II năm nay. Vì vậy, ông Phong đề xuất giải pháp nên làm song song, thông qua chủ trương đầu tư kèm theo các yêu cầu thực hiện song song thủ tục đảm bảo quy định. Chủ tịch HĐND TP cho biết sẽ có văn bản về sự cần thiết phải đầu tư dự án này, tuy nhiên thống nhất phải hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định. Trong quý II thực hiện xong quy hoạch, đúng quy định sẽ thông qua chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP cũng lưu ý suất đầu tư dự án vượt quy định, cần điều chỉnh; đồng thời chuẩn bị kỹ hơn phương án nguồn lực giáo viên cho trường này.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/da-nang-thong-qua-nhieu-quyet-sach-quan-trong-post275117.html