Đà Nẵng: Tòa án tạm dừng xét xử vì COVID-19
Tại Đà Nẵng, các tòa tạm dừng xét xử, ngành kiểm sát, thi hành án và các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm ngặt phòng, chống dịch.
Ông Trần Huy Đức, Chánh văn phòng TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, cho biết trước đây tòa vẫn xét xử nhưng trong phòng xử án không được quá 20 người để thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, do TP Đà Nẵng là tâm dịch nên hiện nay tòa đã tạm dừng việc xét xử để chờ diễn biến mới của dịch COVID-19.
Tòa, viện nhận hồ sơ qua bưu điện
Theo ông Đức, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có 84 cán bộ, công chức và người lao động. Mỗi bộ phận luân phiên cử người trực hằng ngày để tiếp nhận đơn, hồ sơ từ các nơi gửi về và xử lý những việc cấp bách. Quá trình làm việc thực hiện giãn cách xã hội các cán bộ tòa vẫn đảm bảo các yêu cầu chống dịch và không để ảnh hưởng đến quyền của người dân.
Ông Đức nói: “Những vụ án hết hạn, buộc phải đưa ra xử thì tòa đã xử xong rồi, những vụ chưa xử thì còn thời hạn. Tùy diễn biến dịch lãnh đạo tòa sẽ có chỉ đạo để vừa phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công chức, đồng thời không để án quá hạn”.
Chánh văn phòng TAND TP Đà Nẵng Đặng Văn Mạnh cho biết thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ các tòa không tổ chức phiên tòa, phiên họp, chỉ nhận đơn thư và xử lý theo đường bưu điện. Riêng TAND quận Thanh Khê phải đóng cửa do nằm trong khu vực cách ly hoàn toàn của TP.
“Đối với các vụ án hình sự chưa đến thời hạn thì tạm dừng, các vụ phải xử thì áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng, chống dịch. Đó là chỉ triệu tập những người có liên quan, giữ cách ly mỗi người 2 m, mang khẩu trang trong suốt quá trình xét xử” - ông Mạnh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh văn phòng VKSND TP Đà Nẵng, cho biết từ khi dịch tái bùng phát, đơn vị đã có một máy khử khuẩn tự động để mọi người khử khuẩn trước khi ra vào cơ quan.
VKSND TP có 70 viên chức, người lao động nhưng mỗi ngày chỉ có một nửa đến cơ quan để đảm bảo giãn cách xã hội. Khi tòa tạm dừng xét xử, đối với những hồ sơ không phải hồ sơ mật thì kiểm sát viên có thể mang về nhà nghiên cứu. Những bộ phận trực tiếp tiếp xúc với nhiều người như văn thư, khu vực tiền sảnh, thang máy được khử khuẩn mỗi ngày, một tuần tổng khử khuẩn cơ quan một lần.
Cơ quan này cũng chỉ nhận các loại giấy tờ qua bưu điện, không nhận trực tiếp tại trụ sở. Toàn bộ công chức và người lao động của viện được lấy mẫu xét nghiệm và 100% âm tính với SARS-CoV-2.
Thi hành án, công chứng đảm bảo an toàn
Theo ghi nhận của PV tại Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng thì toàn bộ công chức, người lao động đều có ý thức phòng, chống dịch rất cao. Tính đến ngày 19-8, cơ quan này có một cán bộ thuộc diện F1, năm cán bộ F2 và 18 công chức là F3, tất cả đã thực hiện xong việc cách ly 14 ngày.
Lãnh đạo cục yêu cầu tạm thời không tiếp công dân tại trụ sở, không tổ chức kê biên, cưỡng chế thi hành án. Các đơn vị nhận tài liệu, đơn thư của tổ chức, công dân qua đường bưu điện hoặc phần mềm hỗ trợ trực tuyến. Toàn bộ công chức và người lao động làm việc tại nhà, tuyệt đối không di chuyển khỏi nơi cư trú, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp.
Ông Lê Văn Vinh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp TP Đà Nẵng), cho biết việc phòng, chống dịch tại đơn vị được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt là giãn cách. Bảo vệ trực 24/24 giờ để đo thân nhiệt và điều tiết khách ra vào. Các trường hợp có thân nhiệt cao được yêu cầu ngồi nghỉ để đo lại, nếu nhiệt độ vẫn cao thì được hướng dẫn đến cơ quan y tế để kiểm tra. Đối với các yêu cầu công chứng chưa gấp thì phòng sẽ chủ động hẹn khách hàng vào thời gian khác.
Ông Vinh dẫn chứng: “Khi phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng ở cự ly gần như lăn tay, lấy chữ ký thì công chứng viên yêu cầu từng người ký sau đó điểm chỉ và ra ngoài. Nếu thư ký nghiệp vụ phải hỗ trợ khách hàng lăn tay thì phải có găng tay và có mũ chống giọt bắn, xong mỗi người thì rửa tay sát khuẩn ngay”.
Theo ông Vinh, từ khi bùng phát dịch, các UBND phường tạm dừng việc chứng thực bản sao nên người dân dồn hết về các phòng công chứng. Phòng Công chứng số 1 ở trung tâm TP nên khá đông, có khách hàng là người nước ngoài nên nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, phòng đã đề nghị được khử khuẩn trụ sở và xét nghiệm đối với viên chức, người lao động tại đây.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Công chứng số 2, cho biết nếu như trước đây mỗi ngày phòng xử lý 30-40 hồ sơ thì nay giảm chỉ còn khoảng 1/4. Đơn vị có 14 viên chức, người lao động nhưng mỗi ngày chỉ phân công bốn người trực tại cơ quan, còn lại làm việc tại nhà.
Bà Hà nói: “Phòng có một trường hợp chăm chồng tại BV Đà Nẵng nhưng đã xuất viện ngày 24-7. Chị này sau đó đã chủ động khai báo y tế và cách ly tại nhà. Gần hết thời gian cách ly thì chị có dấu hiệu mệt mỏi, sốt nên được lấy mẫu xét nghiệm. May mắn là kết quả âm tính. Hiện chị ấy đang nghỉ không lương để chăm chồng và tiếp tục cách ly tại nhà”.
Giải quyết sớm vụ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Ngày 18-8, VKSND TP Đà Nẵng ra cáo trạng truy tố ba bị can về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép gồm: Chen Xian Fa (ngụ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), Hồ Thị Thu Trinh (ngụ huyện Phú Ninh, Quảng Nam) và Huỳnh Ngọc Diễm (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh văn phòng VKSND TP Đà Nẵng, cho biết thời gian xét xử còn phụ thuộc vào tòa án (dự kiến là đầu tháng 9). Tuy nhiên, tại phiên tòa tới, VKS sẽ trình chiếu hình ảnh chứng cứ tại tòa để phần tranh luận khách quan, rõ ràng.
Ông Hưng nói: “Chỉ đạo của cấp trên là sớm đưa vụ án ra xét xử để góp phần giải quyết tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, góp phần vào công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, anh em cũng có áp lực nhất định khi phải đẩy nhanh tiến độ”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/toa-an-tam-dung-xu-vi-covid19-933836.html