Đà Nẵng: Trao bằng chứng nhận cấp thành phố cho Di tích khảo cổ đầu tiên trên địa bàn
Sáng nay 23/2, thay mặt lãnh đạo TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam đã chính thức trao Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố cho Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Đây cũng là di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ duy nhất trên địa bàn TP tính đến thời điểm này.
Trước đó, ngày 27/11/2020, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Quyết định số 4568/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp TP đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho các hoạt động quản lý, bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, khu tháp Chăm Phong Lệ có niên đại xây dựng vào khoảng thế kỷ X và được người Champa duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỉ XII. Đây là một trong những khu di tích tháp Chăm quan trọng có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng. Qua 3 lần khai quật khảo cổ vào các năm 2011, 2012 và 2018 đã phát hiện được gần 400 hiện vật có giá trị với nhiều chất liệu như đồ đá, gốm sứ, thạch anh, vàng…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay, TP Đà Nẵng hiện có 2 Di tích quốc gia đặc biệt, 17 Di tích quốc gia và 60 Di tích cấp TP, nhưng trong số đó chỉ mới có 1 di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ, đó chính là Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Điều này cho thấy những giá trị quan trọng, đặc biệt và tiêu biểu của di tích này.
Theo ông Lê Quang Nam, trải qua những thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ vẫn trường tồn với thời gian và mang trong mình những thông điệp về đời sống văn hóa tinh thần trong quá khứ. Từ kết quả khai quật khảo cổ học tại di chỉ này cho thấy đây là một công trình có quy mô lớn trong hệ thống đền tháp Chăm ở miền Trung nước ta.
Các di tích, di vật tìm được đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Chăm tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X đến thế kỷ XII. Những kiến trúc, tác phẩm điêu khắc đá đã góp phần khẳng định về tinh thần tôn giáo của người Chăm xưa - tục thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn độ giáo; phản ánh kỹ thuật chế tác vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây cất, kỹ thuật khắc tạc đá.
“Đặc biệt, việc tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn đối với việc khảo cổ, nghiên cứu về kiến trúc và nền văn hóa Chăm vốn còn nhiều ẩn số!” – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh.
Ông đề nghị chính quyền, nhân dân phường Hòa Thọ Đông, UBND quận Cẩm Lệ, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ xứng tầm với vị thế của một di sản cấp TP; đồng thời cùng quản lý khai thác thật khoa học và hiệu quả kho tàng di sản, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, ông Lê Quang Nam yêu cầu các đơn vị hữu quan tham mưu xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm giai đoạn 2 và bảo quản, tu bổ, phục hồi Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản trong thời gian tới.
Đồng thời kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích Chăm Phong Lệ nhằm quảng bá rộng rãi những giá trị tiêu biểu, độc đáo của địa điểm di tích này cũng như giới thiệu cho du khách biết đến Cẩm Lệ - mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử.
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích này. Trên cơ sở đó tìm ra giải pháp trùng tu, tôn tạo, phục dựng phù hợp và tối ưu nhất nhằm phát huy giá trị của di tích trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại.
Ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao, chính quyền quận Cẩm Lệ và bày tỏ lòng cảm ơn các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đã đồng lòng, tự giác bàn giao đất, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai công tác khai quật khảo cổ, ông Lê Quang Nam cũng khẳng định UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp với địa phương để góp phần vào công việc bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.
“Với trách nhiệm và lòng tự hào, chúng ta hãy cam kết cùng nhau gìn giữ và phát huy thật hiệu quả những giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, góp phần vào công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, lâu đời trên mảnh đất TP Đà Nẵng thân yêu!” – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam kêu gọi.
Đôi nét về Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ
Những năm cuối thế kỷ XIX, Phong Lệ đã được ông Camille Paris lựa chọn để lập đồn điền trồng cà phê, chè, thơm. Trong quá trình khai phá, người ta đã khám phá ra tàn tích của một ngôi tháp đổ nát. Trong tài liêụCatalogue du Musee Cam de Tourane, Henri Parmentier còn cho biết, ông Camille Paris – người chủ đồn điền Phong Lệ đã thu thập ở đây nhiều hiện vật điêu khắc Chăm và sau đó chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm).
Năm 1909, H. Parmentier đã thống kê được 21 hiện vật mang về từ Phong Lệ; năm 1918 thì có 9 hiện vật. Những nhận định ban đầu về Phong Lệ và các hiện vật ở đây đã được H. Parmentier công bố năm 1909 trong công trình Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam. Sau giai đoạn này, địa điểm khảo cổ Phong Lệ bị lãng quên, hoang phế, cây cối mọc rậm rạp và ít người qua lại.
Sau năm 1975, Hợp tác xã nông nghiệp của địa phương đã san ủi một phần di tích để làm trại chăn nuôi và người dân cũng dần dần về đây cư trú mà không biết đến sự tồn tại củamột di chỉ khảo cổ quan trọng trong lòng đất.
Tháng 4/2011, gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà tại lô đất số 173 và 101 đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim (tượng thần điểu Kinnari trong thần thoại Ấn giáo) và nhiều gạch Chăm.
Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật khẩn cấp. Tiếp đó, năm 2012 và năm 2018, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tiếp tục được khai quật khảo cổ. Hiện nay, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang bảo quản và trưng bày 9 hiện vật được chuyển từ Phong Lệ về vào những năm đầu thế kỷ 20.