Đà Nẵng triển khai phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona
Trước tình hình bệnh viêm phổi cấp do virus Corona diễn biến phức tạp, khó lường, chiều 31-1, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp khẩn, triển khai nhiều phương án khẩn cấp và giao các sở ban ngành phối hợp thực hiện, sẵn sàng các tình huống trước và khi có dịch xảy ra.
Báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, tính đến 8 giờ ngày 31-1, Đà Nẵng đang theo dõi 21 trường hợp nghi ngờ bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov, gồm: 5 trường hợp người Trung Quốc và 16 trường hợp người Việt Nam đang được theo dõi tại bệnh viện Đà Nẵng. Hiện sức khỏe của nhiều bệnh nhân đã ổn định, một vài trường hợp có sốt nhẹ.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, thành phố hiện chưa phát hiện bệnh nhân nhiễm chủng mới virus corona. Sở Y tế đã xây dựng công tác phòng chống dịch theo kế hoạch của Bộ Y tế với 3 tình huống khi chưa có dịch, có dịch và dịch lan rộng. Đồng thời, bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Phụ sản Nhi lên phương án tiếp nhận, phân loại bệnh nhân hợp lý và tổ chức tập huấn cho các cán bộ nhân viên tham gia phòng chống dịch về công tác thu dung, sử dụng trang thiết bị.
Với bệnh viện dã chiến, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã khảo sát một địa điểm trên Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nhưng sở gặp nhiều khó khăn khi chưa có phương án mẫu về bệnh viện dã chiến.
Bộ phận kiểm dịch tại cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng phát hiện trường hợp khách Trung Quốc đến Việt Nam thông qua một quốc gia trung gian. Vì vậy, đại diện Bộ phận kiểm dịch đề nghị kiểm tra những người có hộ chiếu là công dân Trung Quốc hay đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Bên cạnh đó, sân bay Đà Nẵng có các chuyến bay vùng dịch sẽ đậu ở xa khu vực tiếp đất, có lối đi riêng; tiến hành khử trùng khu vực nhà ga và cách ly khi phát hiện trường hợp thân nhiệt cao.
Trong chiều 31-1, Đại học Đà Nẵng có văn bản gửi các trường thành viên thông báo cho sinh viên nghỉ thêm 1 tuần, từ ngày 3 đến 9-2. Trong thời gian nghỉ học, các sinh viên hạn chế đi lại, cập nhật thông tin của nhà trường thường xuyên và có biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn. Cũng trong chiều 31-1, Trường Đại học Duy Tân có văn bản thông báo cho sinh viên nghỉ học.
Số lượng phiên dịch viên tại Đà Nẵng còn hạn chế, đặc biệt là phục vụ trong công tác chống dịch. Ông Huỳnh Đức Trường, giám đốc Sở Ngoại Vụ Đà Nẵng đề xuất tăng chi phí phiên dịch cho các cộng tác viên tiếng Anh, Hàn, Trung và cần đồ bảo hộ nếu tác nghiệp trực tiếp; lập danh sách phiên dịch viên từ các bác sĩ, nhân viên y tế.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, PGĐ Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, Sở sẽ tạm hoãn việc tổ chức các sự kiện đông người. Tùy tình hình thực tế, Sở chỉ cho phép học sinh nghỉ học khi có khuyến cáo cơ quan chức năng, nhất là Sở Y tế.
Ông Trần Phước Trí, Đại diện Chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng, cho biết đơn vị giám sát, kiểm tra trang thiết bị y tế với 181 cửa hàng kinh doanh thuốc tây và 2 công ty Danameco và Dapharco. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân đổ xô mua một vài sản phẩm nên tạo ra sự khan hiếm do thiếu nguồn cung.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trước tình hình dịch bệnh, hiện nay, khách tham quan giảm 17%, khách lưu trú giảm đến 50-60%. Tuy nhiên, khách quốc tế nói tiếng Hoa (Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia) không thay đổi. Bà Hồng Hạnh đề nghị xúc tiến thị trường và triển khai kích cầu du lịch cung cấp nguồn khách và đảm bảo hoạt động kinh doanh du lịch; thông tin với lãnh sự quán các quốc gia về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và đảm bảo an toàn đối với du khách khi tham quan.
Kết luận cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu sự phối hợp tích cực với sở ban ngành, cơ quan liên quan chủ động trong công tác phòng chống dịch. Cụ thể như, xây dựng phương án phòng chống lây lan dịch bệnh, đảm bảo trang thiết bị hậu cần; tính toán làm rõ quy mô, tính chất, quy trình tiếp nhận bệnh nhân với bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Phổi, bệnh viện dã chiến; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, đề xuất kiểm soát đầu mối giao thông quan trọng; thông tin kịp thời minh bạch đến người dân, đấu tranh xử lý nghiêm đối với người tung tin sai sự thật.
“Mặc dù đã lên các phương án nhưng nhiều tình huống vẫn có thể bất ngờ xảy ra, vì vậy chúng ta không thể chủ quan và xây dựng kế hoạch chi tiết với nhiều cấp độ trong bối cảnh khác nhau, liên tục bổ sung các phương án phù hợp với các cấp, sở ban nghành địa phương”, ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ.