Đà Nẵng trông chờ du lịch nội địa khi thiếu khách Nga, Trung Quốc
Các chuyên gia nhận định việc mở cửa đón khách quốc tế là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa thể có nguồn khách ngay mà cần phải có thời gian dài.
Ngày 27/3, chính quyền Đà Nẵng sẽ đón 2 chuyến bay từ Singapore và Bangkok (Thái Lan) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sự kiện này đánh dấu việc chính thức nối lại các đường bay quốc tế đến thành phố, sau hai năm gián đoạn vì Covid-19.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nhận định địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và với việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất thời gian qua, thành phố biển vẫn là điểm đến ưa thích của du khách.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, cho rằng nguồn khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới sẽ không nhiều.
Lượng khách từ 2 thị trường trọng điểm sẽ khiêm tốn
Trao đổi với Zing, ông Quỳnh có chung nhận định với Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, rằng việc Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế là cơ hội vàng để ngành du lịch vực dậy sau 2 năm "đóng băng".
Bởi theo ông, dịch bệnh đã làm hàng nghìn doanh nghiệp kiệt quệ, kéo theo đó là những hệ lụy liên đới nhiều lĩnh vực và hàng triệu lao động. "Do đó, mở cửa là tất yếu", ông Quỳnh nhấn mạnh và đặt ra câu hỏi: Việt Nam mở cửa với ai?
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng nhắc lại số liệu: Năm 2019, hai thị trường khách du lịch quốc tế chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, 32% khách từ thị trường Trung Quốc và 23,8% khách từ thị trường Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược "Zero Covid” thì có thể phải cuối năm nay hoặc đầu năm 2023, người dân nước này mới đi du lịch nước ngoài.
Tương tự, Chính phủ Hàn Quốc đang có chính sách cách ly 7 ngày cho người nhập cảnh và về từ Việt Nam trong giai đoạn mở cửa. Với thực tế này, lượng khách quốc tế tới Việt Nam, nhất là Hàn Quốc sẽ ở mức độ khiêm tốn cho năm nay.
"Xịt" thị trường Nga
Trước Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lên kế hoạch đưa công dân Nga sang du lịch Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng...
Ngành du lịch các tỉnh, thành trên đã lên kế hoạch chi tiết để đón khách. Nhưng mới đây, ông Bùi Quốc Đại, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đã tạm ngưng đón khách Nga đến Nha Trang (Khánh Hòa).
Theo ông Đại, nguyên nhân là Chính phủ Nga khuyến cáo các hãng hàng không hạn chế bay ra nước ngoài sau khi Mỹ và các nước phương Tây ra các chỉ thị trừng phạt.
“Chúng tôi chỉ tạm ngưng theo khuyến cáo của phía Nga. Khi tình hình ổn định trở lại công ty sẽ tiếp tục nối lại các chuyến bay như cũ”, ông Đại thông tin.
Liên quan đến thông tin này, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Việt Đà (Viet Da Travel), cho biết khi chưa có dịch, đơn vị cũng thường kết nối, đón khách Nga đến Đà Nẵng tham quan nhưng không nhiều.
Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 đến nay và mới nhất là việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine thì du khách nước này cũng chưa trở lại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Xúc tiến du lịch phải tập trung vào các thị trường đã hoàn toàn mở cửa hoặc thông thoáng về điều kiện đi lại.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh
Ông Lộc nhận định tình hình chiến sự và việc Mỹ cùng các nước phương Tây ra các chỉ thị trừng phạt thì người Nga cũng sẽ không còn tâm trí đi du lịch như trước.
Phân tích sâu hơn, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đưa ra dẫn chứng thời điểm "hoàng kim" - năm 2019, lượng khách Nga cũng chỉ bằng 11% so với thị trường Trung Quốc.
"Chiến tranh còn diễn biến khó lường nên việc chúng ta kỳ vọng vào thị trường này là rất khó, thậm chí ít khả thi", ông Quỳnh nêu quan điểm.
Về thị trường châu Âu, Mỹ, cả 2 vị này đều nói muốn công dân họ đến Việt Nam thì phải có thêm các đường bay thẳng. "Chuyện mở thêm đường bay phải cần thời gian", ông Quỳnh nói.
Khách nội địa vẫn quan trọng
Trong cuộc nói chuyện với Zing, cả ông Quỳnh lẫn Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Việt Đà đều đề cập tới thị trường tiềm năng là Ấn Độ. Hai vị này cho rằng nhiều năm qua, công dân nước này vẫn chưa coi Việt Nam là điểm đến của họ. Trên thực tế, các chương trình quảng bá du lịch của nước ta cũng còn khá khiêm tốn, thậm chí nhiều địa phương chưa quan tâm nên công dân nước họ chưa biết nhiều về điểm đến ở Việt Nam.
"Chúng ta phải sớm xúc tiến du lịch ở quốc gia này sớm, trên diện rộng và trước mắt là phải tập trung vào các thị trường đã hoàn toàn mở cửa hoặc thông thoáng về điều kiện đi lại", ông Quỳnh nói và nhận định trong những tháng tiếp theo, thậm chí từ nay đến giữa năm 2023, thị trường nội địa vẫn là cứu tinh cho du lịch Việt Nam.
Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết năm nay, ngành du lịch thành phố phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt (tăng 1,6 lần) và khách nội địa ước đạt 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành du lịch Đà Nẵng xác định du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với văn hóa truyền thống, du lịch trở về thiên nhiên, môi trường trong lành, yên tĩnh (du lịch sinh thái rừng, biển, nông nghiệp, nông thôn); du lịch qua thế giới ảo; du lịch trải nghiệm sẽ là những loại hình phù hợp với thời kỳ hậu Covid-19.
Theo bà Hạnh, đến nay Đà Nẵng đã ký kết và triển khai hợp tác du lịch với 10 địa phương. Về liên kết hợp tác quốc tế, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác 45 địa phương của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với 97 thỏa thuận được ký kết.
Trên cơ sở này, Sở Du lịch phối hợp Sở Ngoại vụ kết nối, triển khai nhiều hoạt động liên kết, phát triển du lịch với các thành phố, như: Daegu (Hàn Quốc), Battambang (Campuchia), Pittsburgh (Mỹ), Yaroslavl (Nga), Thành Đô (Trung Quốc)...
"Sở đang tiếp tục mở rộng kết nối với các địa phương là thị trường du lịch tiềm năng, trọng điểm; Hiệp hội du lịch, hãng thông tấn, người nổi tiếng trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác quảng bá điểm đến Đà Nẵng và trao đổi nguồn khách", bà Hạnh nêu và kỳ vọng ngành du lịch sẽ sớm phục hồi trong những tháng tiếp theo, nhất là khi các đường bay được khôi phục hoàn toàn.