Đà Nẵng trước ngày 'ai ở đâu thì ở đó'
Sáng 15/8, người mua sắm tại các chợ, siêu thị ở Đà Nẵng đông hơn, ai cũng tranh thủ mua hàng thiết yếu trước khi chính quyền thành phố áp dụng các biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19.
Với quy định "ai ở đâu thì ở đó", trong 7 ngày tới, thành phố Đà Nẵng chỉ có hơn 10.000 người trên tổng số 1,5 triệu dân được phép ra đường.
Bà Mai Thị Khánh Hòa ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc thành phố áp dụng các biện pháp mạnh hơn là điều cần thiết. Tất cả vì sức khỏe của người dân và sự an bình của thành phố: “Tôi rất ủng hộ cách làm của thành phố sẽ làm giảm dần dịch bệnh. Tôi cũng mong muốn người dân tuân thủ và có ý thức cao hơn trong phòng chống dịch".
UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với các địa phương lên phương án cung ứng thực phẩm đến người dân qua tổ dân phố, tạo sự yên tâm cho mọi người thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do tâm lý sợ thiếu thực phẩm, từ sáng sớm nay (15/8), các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rất đông người đến mua. Tiêu thụ mạnh nhất vẫn là rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.
Chị Đỗ Thị Niềm Tin, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết, so với những ngày trước, giá giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao: “Ngày hôm nay người dân đi chợ thưa hơn, hôm qua quá đông, giá đắt đỏ. Giá tăng gấp đôi, gấp 3".
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý Chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng cho biết, ngoài việc đảm bảo hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, khu vực chợ còn phải tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, giảm số lượng và lượt người vào chợ.
“Trước tình hình này thì Ban quản lý Chợ Cồn tập trung toàn bộ lực lượng tổ chức kiểm soát tại cổng. Người dân có thẻ vào chợ theo đúng quy định mới được vào, tạo giãn cách giảm bớt lượng người vào chợ để phòng, chống dịch", ông Hùng cho biết thêm.
Trong 7 ngày tới, từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8, thành phố Đà Nẵng dừng tất cả mọi hoạt động. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa từ 10% đến 30% số người. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án duy trì sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện có 69 doanh nghiệp với 8.000 lao động đăng ký hoạt động trong thời điểm này. Ban Quản lý đã có văn bản hướng dẫn và đề nghị các doanh nghiệp cam kết chỉ được hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực sự an toàn. Người sử dụng lao động và người lao động phải thống nhất phương án phù hợp với tình hình doanh nghiệp và yêu cầu của chính quyền địa phương.
“Các doanh nghiệp đề cao tính tự giác, ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm, phải tuân thủ đầy đủ các quy định đầy đủ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Doanh nghiệp phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, kịp thời công khai thông tin, tăng cường các khuyến cáo và cảnh báo đối với người lao động trước khi thực hiện sản xuất tại chỗ", ông Trần Văn Ty nói.
UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các quận, huyện sẵn sàng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ khó khăn.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBĐ thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Thành phố Đà Nẵng làm quyết liệt lần này để làm sạch mầm bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh ở các địa phương vẫn còn, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn nhưng hạn chế bớt. Trong vòng 7 ngày, chúng tôi kỳ vọng sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 25/8. Đây là mục tiêu Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặt ra trong thời gian tới"./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/da-nang-truoc-ngay-ai-o-dau-thi-o-do-882854.vov