Đà Nẵng: 'Tử địa' của các đối tượng trốn truy nã quốc tế
Với vị trí 'thủ phủ' kinh tế của khu vực, lại nằm trên cung đường Hành trình di sản miền Trung và nhiều thế mạnh khác về du lịch..., nhiều năm liên tiếp, Đà Nẵng là một trong những địa phương nằm trong 'top' các tỉnh, thành thu hút nhà đầu tư và du khách nước ngoài. Lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã góp phần cùng chính quyền và nhân dân biến thành phố biển này trở thành một nơi 'đất lành chim đậu', nhưng cũng là 'đất dữ' của nhiều đối tượng xấu là người nước ngoài có ý định biến nơi này là chốn ẩn nấp để tiếp tục gây án.
Trốn truy nã hay gây án tại Đà Nẵng đều khó thoát
Trước khi thực hiện vụ cướp tại chi nhánh Ngân hàng Shinhhyup tại Daejeon, Hàn Quốc, Jinhong Kil (sinh năm 1976) đã dự tính phương án tẩu thoát khi lực lượng cảnh sát sở tại chưa phát hiện tung tích, chưa áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Nơi mà đối tượng lựa chọn để ẩn náu là Đà Nẵng, một điểm đến ưa thích của du khách nước ngoài và có nhiều người Hàn Quốc làm ăn, sinh sống. Jinhong Kil nghĩ rằng đây là địa điểm lý tưởng để an toàn trốn nợ, lẩn tránh sự truy bắt, hướng tới sẽ thuê mặt bằng mở một cơ sở dịch vụ để bám trụ lại lâu dài, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người đồng hương không hay biết về hành vi phạm tội của anh ta...
Ngày 18/8/2023, Jinhong Kil đeo găng tay và khẩu trang che mặt, mang theo con dao làm bếp và bình cứu hỏa mini đột nhập vào chi nhánh Ngân hàng Shinhhyup tại Daejeon. Lợi dụng lúc phòng giao dịch vắng khách, đối tượng kề dao uy hiếp nữ nhân viên ngân hàng, buộc người này lấy nhiều cọc tiền bỏ vào chiếc bao mà hắn đã chuẩn bị sẵn. Trước khi tẩu thoát, hắn còn dùng bình chữa cháy xịt vào mặt nhân viên ngân hàng. Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng Hàn Quốc, số tiền bị Jinhong Kil cướp là 39 triệu won (tương đương khoảng 780 triệu VNĐ).
2 ngày sau, khi lực lượng cảnh sát Hàn Quốc chưa lần ra hành tung, Jinhong Kil đã nhanh chân đáp chuyến bay gần nhất rời khỏi Hàn Quốc và đến Đà Nẵng. Đầu tháng 9/2023, sau khi truy xét, phát hiện lai lịch nghi can và biết đối tượng đã xuất cảnh, phía cảnh sát Hàn Quốc phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) trao đổi thông tin với Việt Nam và đề nghị hỗ trợ bắt giữ.
Từ công tác nắm tình hình và kiểm tra, rà soát, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng xác định nghi phạm nhờ người đứng tên thuê phòng tạm trú tại một khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà. Tuy nhiên, ngay trước khi cơ quan chức năng tiếp cận thì Jinhong Kil đã đọc được tin tức trên báo chí Hàn Quốc về việc cảnh sát nước này đã xác định thủ phạm vụ cướp. Sợ nơi lưu trú đã bị lộ, đối tượng nhanh chóng thay đổi chỗ ở mới. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan công an xác định Jinhong Kil đã rời khách sạn bằng xe máy BKS 75T1-XXXX.
Thượng tá Trần Thế Mạnh - Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng cho biết trước khi thực hiện vụ cướp, Jinhong Kil từng có thời gian đến Đà Nẵng sinh sống làm ăn nên thông thạo địa bàn. Đối tượng sử dụng nhiều mánh khóe để trốn nã, trong đó có việc liên tục mua sim điện thoại để gọi và vứt bỏ sau mỗi lần gọi điện về Hàn Quốc và một số người quen tại Đà Nẵng...
Sau khi nắm chắc các thông tin liên quan, chiều 10/9, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Đà Nẵng và Bộ Công an tiến hành bắt giữ Jinhong Kil khi đối tượng đang có mặt tại một khu vui chơi giải trí trên địa bàn phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Các trinh sát đã xuất hiện, áp sát bất ngờ khiến Jinhong Kil không có cơ hội chống trả hay bỏ chạy. Biết không thể chối tội, Jinhong Kil nhanh chóng thừa nhận mình chính là thủ phạm thực hiện vụ cướp ngân hàng tại Hàn Quốc và là người bị Interpol truy nã...
Từ năm 2022 đến nay, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ và phối hợp bàn giao 9 đối tượng là người nước ngoài bị truy nã và trốn tới Việt Nam, trong đó có những đối tượng nguy hiểm bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ. Trước đó, Công an TP Đà Nẵng cũng bắt giữ hàng chục đối tượng bị truy nã là người nước ngoài, mà ấn tượng nhất là vụ bắt giữ đồng thời 5 đối tượng bị Công an Trung Quốc truy nã về nhiều tội danh nghiêm trọng.
Nhóm đối tượng này gồm Liu Yi Hu (sinh năm 1976), Yu Hong Can (sinh năm 1971), Xua Liang (sinh năm 1980), Xu Heng (sinh năm 1973) và Luan Cheng Ming (sinh năm 1982). Theo Công an Trung Quốc, cả nhóm trên tổ chức đánh bạc trái phép ở Trung Quốc với số tiền hàng trăm triệu nhân dân tệ. Ngoài ra, họ còn bị tình nghi là có hành vi gây rối, bắt cóc để đòi tiền nợ cờ bạc... Khi bị các nạn nhân tố cáo, nhóm người này đã rủ nhau lẩn trốn ở nhiều nơi và bị Cảnh sát Trung Quốc truy nã. Các đối tượng đã theo đường mòn lối mở nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và di chuyển đến Đà Nẵng. Tại đây, các đối tượng nhờ người thuê nhiều nhà nghỉ khác nhau để lưu trú nhằm tránh sự quản lý của Công an Việt Nam và trốn tránh bị truy bắt. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi lẩn trốn tại Đà Nẵng, cả 5 đối tượng đã bị Công an thành phố phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Công an bắt gọn, sau đó bàn giao cho Bộ Công an xử lý...
Thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng người Trung Quốc vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là vụ phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng Jiang Deng Jun (sinh năm 1989), Zhang Hui Min (sinh năm 1981), Fang Jun Jie (sinh năm 1986), Dai Hong Xi (sinh năm 1997), Liu Xiao Wei (sinh năm 1999, cùng quốc tịch Trung Quốc) và Sầm Thị Sen (sinh năm 1995, trú tỉnh Gia Lai) về tội danh giao cấu với người đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Đây là nhóm đối tượng đã dụ dỗ, thuê các cô gái trẻ, trong đó có cả trẻ em để đóng phim “người lớn”, sản xuất clip đồi trụy hoặc livestream cảnh quan hệ tình dục trên mạng xã hội Trung Quốc để thu tiền người xem. Vụ bắt giữ đối trượng Feng Long Chun (sinh năm 1990) dùng súng bắn chết đồng hương. Vụ đối tượng người Trung Quốc Xiao Guiping (sinh năm 1993) sát hại, phân xác nữ đồng hương Bao Danping (sinh năm 1990) tại quận Sơn Trà vì mâu thuẫn do hùn tiền đánh bạc... cùng hàng loạt vụ bắt giữ nhiều người Hàn Quốc liên quan đường dây tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép để cư trú trái quy định của pháp luật trong năm 2021-2022.
Thoáng nhưng khó thoát
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chia sẻ: Số lượng người nước ngoài đến Đà Nẵng hoạt động kinh tế, văn hóa, từ thiện nhân đạo, thăm thân, du lịch đang từng bước hồi phục, tuy còn thấp hơn nhiều so với trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19. Người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống, du lịch góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế, là một kênh quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng chính sách để vào Việt Nam thực hiện các hoạt động trái quy định pháp luật. Vì vậy, đi đôi với việc tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi về mặt thủ tục hành chính, giúp đỡ tận tình những trường hợp cần hỗ trợ..., lực lượng Công an cũng quản lý chặt chẽ người nước ngoài theo quy định, mà trước hết là quản lý lưu trú.
Trong năm 2023, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 167 về công tác quản lý khai báo tạm trú, quản lý người nước ngoài tại công an các phường, xã trên địa bàn thành phố. Nội dung kiểm tra cụ thể gồm: Công tác triển khai các văn bản chỉ đạo về quản lý khai báo tạm trú, quản lý người nước ngoài; công tác cấp, quản lý tài khoản khai báo tạm trú, tiếp nhận khai báo tạm trú và xác thực thông tin khai báo; quản lý người nước ngoài và phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài. Để thực hiện kế hoạch trên, Công an thành phố đã lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại 16 công an các phường trọng điểm có đông người nước ngoài cư trú. Đối với 40 xã, phường còn lại, giao cho công an các quận, huyện tự tổ chức kiểm tra và báo cáo kết quả.
Kết quả kiểm tra cho thấy công tác quản lý người nước ngoài tại địa bàn cơ sở có nhiều ưu điểm tích cực, huy động được sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể và chính quyền các cấp trong công tác quản lý người nước ngoài. Có đến 98,8% người nước ngoài được khai báo tạm trú qua mạng internet tại công an các xã, phường và liên thông tới Phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Lực lượng công an cơ sở cũng nắm chắc tình hình hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn. Qua đó, sớm phát hiện, tham mưu kiểm tra, xử lý nhiều người nước ngoài vi phạm pháp luật và các cơ sở lưu trú không thực hiện trách nhiệm khai báo tạm trú cho khách...
Một số công an phường đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong công tác như Công an phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) đã ứng dụng công nghệ để cập nhật, lưu trữ thông tin về giấy tờ xuất nhập cảnh, thời hạn tạm trú của người nước ngoài và chia sẻ với các đơn vị liên quan cùng theo dõi, phục vụ hiệu quả công tác quản lý cư trú. Công an nhiều phường ở quận Hải Châu, quận Thanh Khê tổ chức tuyên truyền, cho đại diện các cơ sở lưu trú cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai báo tạm trú, đảm bảo an ninh, trật tự... Việc triển khai kế hoạch này giúp đánh giá đúng thực trạng, tình hình công tác quản lý người nước ngoài ở công an cấp cơ sở, qua đó đặt ra yêu cầu và có giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; giúp nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác này.
Cũng trong năm 2023, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh cũng đã tham mưu, báo cáo, đề xuất kiến nghị UBND thành phố sửa đổi quy định “không xem xét việc đăng ký tạm trú đối với các hộ dân vào ở những công trình chưa đủ điều kiện bàn giao theo quy định” tại khối căn hộ chung cư Mường Thanh và chung cư Monarchy B, giải quyết tình trạng cư dân, trong đó có nhiều người nước ngoài “ở chui” gần như công khai mà không thể quản lý... Sau khi một số môi giới hoặc chủ cơ sở lưu trú vì lợi nhuận đã bất chấp quy định, dùng những thủ đoạn gian dối để giúp những người nước ngoài nhập cảnh trái phép cư trú tại thành phố bị khởi tố và bị phạt tù, tình trạng này đến nay cơ bản chấm dứt...
Với việc tích cực, chủ động triển khai hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ và sự phối hợp, hỗ trợ của các cục nghiệp vụ Bộ Công an, thời gian qua Công an TP Đà Nẵng đã làm tốt công tác quản lý người nước ngoài, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự...
Từ các vụ việc đã xử lý, Công an TP Đà Nẵng có văn bản đề xuất Bộ Công an một số giải pháp để chủ động và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bắt các đối tượng truy nã người nước ngoài, đảm bảo các yêu cầu về đối ngoại, pháp luật, nghiệp vụ. Trong đó, quan trọng nhất là việc thông báo kịp thời đến các địa phương danh sách, lệnh truy nã tội phạm của Interpol và các cơ quan chức năng nước ngoài. Công an thành phố cũng kiến nghị cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an có văn bản hướng dẫn cụ thể cho công an địa phương về việc bắt, giữ và bàn giao đối tượng theo lệnh truy nã của các nước để thực hiện thủ tục tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Thượng tá Trần Thế Mạnh chia sẻ: "Quản lý người nước ngoài trước hết phải quản lý tốt từ địa bàn cơ sở, thực hiện bài bản, tin học hóa các trình tự, thủ tục về quản lý cư trú. Trong bối cảnh mở cửa kinh tế, thông thoáng về chính sách xuất nhập cảnh, đây là nhiệm vụ cần sự phối hợp, hỗ trợ của công an các địa phương cũng như các cục nghiệp vụ của Bộ Công an mới có thể thành công. Bên cạnh đó, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật sẽ góp phần giữ vững môi trường an ninh, ổn định, an bình, giúp thu hút các nhà đầu tư và du khách đến tham quan du lịch và đầu tư, phát triển kinh tế...”.