Đà Nẵng tuyên chiến với ô nhiễm tiếng ồn
Ở một thành phố có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đông khách du lịch như Đà Nẵng, ô nhiễm tiếng ồn ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Vậy Đà Nẵng có những biện pháp gì để hạn chế vấn nạn này?
Thi hành nhiệm vụ lúc nửa đêm
Một đêm cuối tháng 9, chúng tôi theo chân đoàn liên ngành gồm cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP Đà Nẵng) và chuyên viên Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) đi thực tế, kiểm tra độ ô nhiễm tiếng ồn. Để khách quan, nhiều thành viên trong đoàn liên ngành hoàn toàn không được biết về điểm đến, để không lộ thông tin tới cơ sở được kiểm tra.
Gần 23 giờ, đoàn liên ngành gõ cửa một nhà dân ở hẻm nhỏ thuộc đường Nguyễn Thị Minh Khai, để đo tiếng ồn từ một phòng trà gần đó. Đứng từ ban công tầng 3 của nhà dân, ở khoảng cách khoảng 30m, chúng tôi nghe rõ tiếng nhạc và tiếng người dẫn chương trình… 70 decibel (dB), một thành viên trong đoàn kiểm tra chỉ vào kết quả hiển thị trên màn hình, còn một thành viên khác quay lại video.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn trong thời gian từ 21 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau ở khu vực đặc biệt là 45 dB, khu vực thông thường là 55 dB. Theo nghiên cứu, khi tiếng ồn lên khoảng 76 dB bắt đầu là ngưỡng âm thanh khó chịu. Ngưỡng nghe giới hạn chịu đựng của con người là khoảng 110 dB.
Để bảo đảm tính khách quan, đoàn kiểm tra sẽ đo 3 lần ở một khoảng cách nhất định, sau đó lấy trung bình cộng của 3 lần đó làm kết quả cuối cùng. Khi chuyên viên quan trắc cầm máy đo, sẽ có thành viên khác quay video đầy đủ để làm bằng chứng. Theo quy trình, khi hoàn thành việc đo cường độ âm thanh, đoàn liên ngành lập tức mời đại diện cơ sở đến hiện trường đo thông báo kết quả, đồng thời tiến hành làm việc, lập biên bản dưới sự chứng kiến của cảnh sát khu vực và đại diện tổ dân phố.
Tháng 9-2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thành phố và UBND các địa phương tăng cường phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về tiếng ồn. Các lực lượng chức năng được yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.
“Chúng tôi ủng hộ việc làm này để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu dân cư. Sau 22 giờ là thời gian người dân nghỉ ngơi. Sau một ngày làm việc, mọi người cần có thời gian nghỉ ngơi. Các điểm vui chơi, giải trí nên tuân thủ giờ giấc phát nhạc vì cuộc sống cộng đồng”, ông Lê Xuân Đài, Tổ trưởng Tổ dân phố 37, phường Thạch Thang, quận Hải Châu nói.
Đoàn liên ngành sau đó mời quản lý phòng trà nêu trên sang hiện trường đo đạc xác nhận sự việc. Nhưng quản lý phòng trà từ chối ký vào biên bản vì “chỉ là người làm thuê”. Sau một thời gian thuyết phục bất thành, cảnh sát làm theo quy định là mời tổ trưởng dân phố và nhân chứng ký vào biên bản. Đến 0 giờ, lực lượng chức năng mới hoàn tất biên bản tại phòng trà.
Đoàn liên ngành lại tiếp tục đi kiểm tra một quán bar trên đường 2/9, đến 3 giờ mới xong việc.
Cả thành phố vào cuộc
Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn được chính quyền Đà Nẵng chú ý từ lâu và ban hành nhiều văn bản để hạn chế tình trạng này.
Từ năm 2018, chính quyền Đà Nẵng đã triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường.
Tháng 5-2019, chính quyền Đà Nẵng ban hành văn bản yêu cầu các ngành liên quan giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, đô thị.
Mới đây nhất, vào tháng 9-2019, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thành phố và UBND các địa phương tăng cường phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về tiếng ồn. Các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố được yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về tiếng ồn.
Công an TP Đà Nẵng quyết liệt xử lý ô nhiễm tiếng ồn từ quán bar, pub, phòng trà từ 0 giờ ngày 1-9-2019. Trong thời gian đầu, công an cấp phòng và cấp quận, huyện, xã, phường đã tiến hành phổ biến quy định, tuyên truyền, đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết. Phần lớn các cơ sở đã thực hiện rất nghiêm túc, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm.
Đến ngày 15-9-2019, Công an TP Đà Nẵng đã lập biên bản hơn 14 trường hợp vi phạm quá giờ và tiếng ồn lớn vượt ngưỡng cho phép; đang hoàn tất thủ tục xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Có thể kể một số trường hợp vi phạm cụ thể như: phòng trà trên đường Lê Duẩn vượt 5-10 dB, mức phạt dự kiến 12,5 triệu đồng; một quán bar ven biển Mỹ Khê vượt quy định tới 67 dB và phải nộp phạt 60 triệu đồng.
“Có từ 8-9 khung xử phạt về tiếng ồn. Để đủ cơ sở xử lý, lực lượng công an phải tiến hành thống kê, trinh sát, tuyên truyền, ký cam kết trước. Nhiều cơ sở viện cớ kinh doanh dịch vụ về đêm để phục vụ khách du lịch. Nhưng việc của chúng tôi được giao là phải bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân. Kinh doanh cũng phải đúng quy định, không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, Đại úy Nguyễn Minh Hoàng, Tổ phó Tổ kiểm tra chuyên đề, cho biết.
Trước thực trạng các chủ cơ sở kinh doanh viện lý do hoạt động tới đêm khuya để phục vụ nhu cầu khách du lịch, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP Đà Nẵng) khẳng định: “Nếu lấy lý do này để vi phạm thì sẽ có ngày Đà Nẵng sẽ vỡ trận về ô nhiễm tiếng ồn. Cái được thì chỉ dành cho các cơ sở kinh doanh và phải đánh đổi bằng cuộc sống của đa số người dân”.
Đà Nẵng là một thành phố du lịch sôi động, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu thấy việc xử lý tiếng ồn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ ban đêm phục vụ khách du lịch thì chính quyền địa phương cần có chủ trương, quy hoạch cụ thể một khu vực riêng cho những loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch ban đêm, có khoảng cách xa với khu dân cư, thời gian hoạt động cụ thể, cách âm đúng tiêu chuẩn, để không ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/da-nang-tuyen-chien-voi-o-nhiem-tieng-on-551674.html