Đà Nẵng và tầm nhìn phát triển hướng biển
Đà Nẵng với lợi thế có bờ biển dài 90km, việc phát triển kinh tế biển cùng với du lịch và công nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột để thành phố này phát triển.
Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân kể từ năm 1997 (từ khi tái lập TP. Đà Nẵng) đến nay của địa phương đạt gần 9%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt hơn 4.300USD, gấp hơn 17 lần so với năm 1997. Đà Nẵng là một trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng thu du lịch là 25%. Quy mô đô thị năm 2022 lớn gấp 4 lần năm 1997.
Để có được những thành tựu trên, một phần nhờ Đà Nẵng đã quyết tâm hướng về biển, phát huy lợi thế từ biển. Từ sau khi tái lập, chính quyền TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh phát triển đô thị, từ một thành phố nhỏ bên bờ Tây sông Hàn vượt sông tiến ra Biển Đông với hàng loạt những cây cầu lớn được xây dựng. Các dự án lớn giải tỏa cả trăm nghìn ngôi nhà tạm tạo thành những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông, Sơn Trà - Điện Ngọc, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trường Sa…
Nhằm triển khai chỉ đạo của Trung ương về định hướng phát triển đô thị biển, Đà Nẵng đã đề ra Chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế. Tỷ lệ đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững và thịnh vượng...
Để đạt được mục tiêu trên, Đà Nẵng đang dồn sức thực hiện dự án Cảng Liên Chiểu, trong bối cảnh cảng duy nhất của thành phố là Cảng Tiên Sa đang có tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng lên đến 20%/năm sẽ mãn tải vào 1-2 năm tới. Cảng Liên Chiểu là dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư phần hạ tầng dùng chung là hơn 3.400 tỷ đồng, có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 TEU, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Cảng Liên Chiểu được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung nhằm tăng cường kết nối vùng và liên vùng, là đòn bẩy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và khu vực. Trong khi đó, Cảng Tiên Sa sẽ phát triển thành cảng du lịch.
Du lịch biển, đảo cũng là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng. Hiện nay Đà Nẵng có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với tổng số 28 tàu đang hoạt động, sức chứa hơn 2.000 chỗ, bảo đảm tiêu chuẩn quy định, được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Biển Đà Nẵng đã và đang có sức thu hút đặc biệt đối với du khách trong nước lẫn quốc tế với việc sở hữu bờ biển cát trắng mịn cùng nhiều bãi tắm trong sạch, trong đó có cả bãi biển được xếp vào danh sách những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Hàng năm nhất là vào dịp mùa hè, Đà Nẵng đón rất nhiều khách phương xa đến thưởng thức dịch vụ tắm biển và tham gia các trò chơi trên biển. Chương trình Đà Nẵng điểm hẹ mùa hè với những môn thể thao trên biển mới lạ hấp dẫn cũng tạo được ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Đặc biệt với nhiều du khách, biển Đà Nẵng còn tuyệt vời hơn nhờ các dịch vụ kèm theo thực sự chất lượng và luôn được kiểm soát chặc chẽ. Nếu muốn thưởng thức những dịch vụ nghỉ biển cao cấp, các khu resort tuyệt đẹp nằm ven biển hay quanh bán đảo Sơn Trà luôn sẵn sàng mang đến những dịch vụ đẳng cấp chất lượng hàng đầu, chắc chắc sẽ làm hài lòng du khách. Với bãi biển đẹp, trải dài thoai thoải và cát trắng miên man, ngụp lặn trong nước biếc, nô giỡn với những con sóng và tắm nắng trên bãi cát trắng mịn đủ để mang lại cho bất kỳ ai cảm giác thư giản sau những giờ làm việc căng thẳng.
Với những điều kiện thuận lợi và tiềm năng biển, Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện và chuyển mình để kinh tế và du lịch biển vươn tầm quốc tế.