Đà Nẵng vẫn chưa có phương án lâu dài cho việc thiếu nước sạch
Cuộc họp khẩn được triệu tập do phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cùng lãnh đạo của nhiều sở, công ty cấp nước và thủy điện nhưng vẫn chưa đưa ra được biện pháp lâu dài giải quyết việc thiếu nước sạch.
Sáng 21-8, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, đã chủ trì cuộc họp khẩn về vấn đề thiếu nước của thành phố những ngày vừa qua khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo nhiều sở như Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, NN&PTNT…; lãnh đạo Nhà máy thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4; đặc biệt là hai lãnh đạo của Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco).
Trong cuộc họp, các ý kiến tham luận của đại diện các sở của Đà Nẵng đưa ra các số liệu cho thấy tình trạng nhiễm mặn ở mức cao thuộc đoạn sông gần Cầu Đỏ. Đoạn sông này nhiễm mặn liên tục trong thời gian qua khiến cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ không thể hút nước xử lý. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết tháng 9 này và chưa có con số dự báo chính xác về việc chấm dứt.
Kết luận cho cuộc họp, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu các thủy điện tiếp tục xả nước để giải quyết trước mắt về việc đẩy mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Theo đó, Thủy điện A Vương sẽ phải 70 m3/giây từ 15 giờ ngày 21-8 và xả trong vòng 24 giờ để đẩy mặn, sau đó sẽ vận hành theo quy trình liên hồ chứa. Nếu quá trình xả 24 giờ, TP Đà Nẵng yêu cầu giảm lưu lượng xả để tiết kiệm nước dự trữ trong hồ thì thủy điện này thực hiện theo yêu cầu.
Cũng với thời gian trên, Thủy điện Đak Mi 4 xả nước theo lưu lượng 25/m3/giấy đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1.000 mg/lít. Còn Công ty Tư vấn xây dựng thủy điện 1 và Công ty cổ phần Sông Bung phải phối hợp chặt chẽ với A Vương và Đak Mi để đảm bảo việc đẩy mặn.
Song song đó, Dawaco chủ động lấy nước từ đập dâng An Trạch và khai thác hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện để khôi phục nước sinh hoạt. Theo dõi sát diễn biến độ mặn, tình hình thủy văn trên lưu vực để thực hiện các phương án cấp nước đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, ông Dũng yêu cầu các sở có mặt tham dự của Đà Nẵng họp lại với nhau và phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam để xây dựng giải pháp rồi trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt. Sau khi có văn bản của Bộ thì mới có cơ sở pháp lý để phối hợp với nhau giải quyết việc thiếu nước.
Trong khi đó, đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay TP Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu nước sạch do nước sông bị nhiễm mặn, trong năm ngoái cũng xảy ra liên tục. Các phương án lâu dài như xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, ngắn hạn là làm đập tạm ngăn mặn trên sông cũng không được nhắc đến trong cuộc họp này. Và biện pháp nhờ thủy điện xả nước là biện pháp vẫn phải phụ thuộc vào thủy điện chứ chưa chủ động.