Đà Nẵng: Vướng mắc về cấp lập dự toán trong thí điểm chính quyền đô thị

Sau 1 năm thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 119 của Quốc hội, mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng bước đầu đã phát huy tính chủ động và chế độ chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp quận, phường.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực tài chính, công việc xử lý chậm hơn trước do thay vì được chủ động ngân sách thì các cấp này giờ chỉ được lập dự toán, dẫn đến thiếu chủ động trong thu chi ngân sách để thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

Để thực hiện nhiệm vụ về công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn theo Chỉ thị 16 của Quận ủy Sơn Trà, các cán bộ của phường Nại Hiên Đông rất cần nguồn kinh phí, nhưng dự toán thu chi năm 2022 của phường đã hoàn thành trong năm 2021. Giờ để có tiền, phường phải xin bổ sung nguồn. Sở Tài chính trả lời, đây không phải là nhiệm vụ chung của thành phố mà là nhiệm vụ của quận nên thành phố sẽ không cấp bổ sung ngân sách. Còn quận chủ quản thì không có nguồn, dẫn đến phường không biết phải làm sao khi có nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán.

Ông CAO ĐÌNH HẢI - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng: “Trước đây, chúng ta đã thí điểm mô hình chính quyền đô thị này rồi, khi đó cũng không có hội đồng nhân dân, hoạt động rất tốt, với cơ chế thu chi như cũ, vẫn là hợp lý hơn, chủ động trong công tác chi, hoàn thành nhiệm vụ một cách linh hoạt chủ động.”

Đối với cấp quận, trước đây khi còn cấp ngân sách, các quận sử dụng nguồn tăng thu ngân sách từ 25% - 30% so với dự toán thu năm trước, tương đương với số tiền từ 40 tỉ đồng - 50 tỉ đồng để bố trí, bổ sung thực hiện nhiệm vụ phát sinh, đột xuất. Tuy nhiên hiện nay UBND quận trở thành đơn vị dự toán cấp 1 của thành phố, địa phương phải phụ thuộc, không còn có nguồn này để sử dụng.

Ông LÊ TỰ GIA THẠNH - Chủ tịch UBND quận Hải Châu, Đà Nẵng: “Chính quyền đô thị chúng ta xây dựng dựa trên nguyên tắc là để cho địa phương chủ động, mà để chủ động phải có nguồn lực. Nếu không thì chưa thấy hiệu quả của mô hình. Còn về thực hiện quy chế thì rất nghiêm túc.”

Nhiều ý kiến đề nghị Sở Tài chính cần nghiên cứu, tham mưu theo hướng phải có sự nhìn nhận, phân biệt giữa quản lý đơn vị dự toán theo đơn vị hành chính với quản lý đơn vị dự toán theo cơ quan chuyên môn, đồng thời cần vận dụng linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết 119 để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ông LÊ PHÚ NGUYỆN - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng: “Một số đơn vị kinh phí sự nghiệp văn hóa thể thao thì không hết, một số đơn vị thì không đủ, nhưng muốn sử dụng và cân đối cái đó thì phải đi xin. Nếu Nghị quyết 119 cho chúng ta cơ chế là những trường hợp khác với pháp luật chuyên ngành thì được áp dụng theo Nghị quyết này, điều này sẽ mở ra cho chúng ta thử nghiệm mô hình.”

Vì là mô hình thí điểm nên sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót, vướng mắc và Đà Nẵng cũng đã có báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng, Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan, trong đó nêu rõ những bất cập trong cấp dự toán. Trung ương và địa phương sẽ phải tiếp tục nghiên cứu thật kỹ trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để đánh giá đúng tình hình, làm sao vừa đảm bảo thật thuận lợi cho quản lý, điều hành, nhưng cũng phải phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Thực hiện : Nguyễn Hùng Việt Hà

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/da-nang-vuong-mac-ve-cap-lap-du-toan-trong-thi-diem-chinh-quyen-do-thi