Dạ Ngân: Thời gian giật mình
Một đất nước xộc xệch, biết ngay, thiên nhiên ở đó sẽ bị xâm hại và cứ thế, con người cũng sẽ trở nên ô trọc và tàn độc. Chúng ta đã trả giá và sẽ phải trả giá thêm nữa, việc ấy không phải chờ lâu
1. Mở mắt ra, dậy đi, trao trảo cãi nhau bởi mớ chuối chín cây ở đầu hè. Chải tóc bên thềm, bướm xanh bướm vàng bướm rằn sập sận trên cỏ ướt sương. “Gà con bị bắt kìa, mấy đứa nhỏ đâu, lấy chót tàu dừa huơ đuổi diều hâu đi!”. Chừng như lũ dồng dộc mỏ đen ức vàng đã dệt xong ổ mới, cây vú sữa sau nhà lủng lẳng những chiếc tổ xinh như những chiếc túi xách thời trang. Chim khách sà xuống vuông sân ửng nắng “khách khách”, người lớn cười cười “Điềm báo khách đông à nha, hèn gì đêm qua chuột chù rích rích dữ!”.
Ông chủ gia đình đi từ dưới bến sông lên với cái rộng vừa vớt khỏi be xuồng, vui thích với lũ tôm càng xanh búng lách tách - ông đi câu tôm suốt đêm qua. Mấy chị đón rộng tôm và ngồi xuống sàn nước cắt râu, lấy bọc gạch để riêng và lột vỏ chúng. Bỗng cười ré lên “Nghe mùi tanh cá chốt xúm vô, xúc mới mấy rổ đủ kho một nồi nè”. Chim bói cá vụt những đường nhanh như cắt và le le bay từng đàn ở phía bên kia sông.
Đường đi học qua một giang đồng nhỏ. Buổi trưa cò xám cò trắng cò bợ trên lưng trâu, trên bờ mẫu, trên mặt đồng yên tĩnh. Sẻ ri rợp trời nếu sau mùa thu hoạch, rất nhiều lúa rơi vãi trên cuống rạ. Ở hói doi trầm thủy là một bức tranh muôn năm cũ giữa đồng năn, bồ nông có cái đãy ở vòm họng để phân biệt với giang sen cũng những sải cánh dài hàng hai mét. Cúm núm sống theo đôi, gọi nhau, âm âm mà không thể nào thấy chúng. Có người còn gọi chúng là gà nước, chúng lủi lủi như gà và thịt ngon hơn thịt gà.
May mắn với thế giới của tuổi thơ thần tiên, tôm cá và chim chóc. Những trưa hè như cổ tích, cu gáy ở hậu vườn, tu hú trên cành cao và vẫn cú quạ khàn khạc thảng thốt. Chạng vạng, bìm bịp kêu trên triền sông và vẫn cứ những bầy le le đi về nơi nào đó của chúng. Đom đóm thắp đèn, trong tán bần, như những cột hoa đăng điệu nghệ.
2. Thập kỷ 70 bắt đầu với những “con trâu sắt” choáng ngợp bởi tiếng máy thở ra mùi xăng dầu và cách chúng phăm phăm qua các bờ mẫu. Không còn những mảnh ruộng để gieo mạ, cũng sẽ không có màu xanh lá mạ đặc trưng nữa. Lúa giống được ngâm rồi vớt lên ủ và trước khi đưa ra ruộng, nhà nông trộn thứ thuốc gì đó vào rồi rải xuống gọi là sạ. Thường thì người ta sạ lúa vào khi trời đứng gió để hạt giống rơi yên xuống mặt đất sâm sấp nước đã bừa nhuyễn. Những chú trâu thất nghiệp tha thẩn về chuồng, những con cò không biết gì về số phận mai kia của chúng. Mùi khói un trâu thưa dần, người giàu đã bán trâu để tậu máy cày.
Cá đồng bắt đầu chết trắng bờ mẫu vì thuốc bảo vệ hạt giống. Cò ăn hạt giống, cò vẫn nhởn nhơ nhưng rồi chúng phát hiện ra, chúng bỏ đi. Bồ nông và giang sen thấy cá phơi bụng trắng tưởng bở, thỏa thích tại chỗ còn mang về để nuôi con. Rồi chúng khôn ra như lũ cò. Mưa xuống, lúa sạ lên xanh, người ta bắt đầu dặm vá những chỗ mỏng, rồi lúa vụt lên. Bây giờ là những người quảy bình trên lưng đi xịt cỏ trong ngỡ ngàng thán phục của những phụ nữ từng đau lưng vì phải nhổ cỏ. Người quảy bình xịt chưa bao giờ biết đeo khẩu trang. Cả một góc đồng dậy mùi thuốc diệt cỏ và mưa lại đưa chúng xuống sông rạch. Những đợt phân bón để thúc cây lúa ra bông, ngày xưa lúa 9 tháng dài quá, bây giờ vụ lúa chỉ 6 tháng, mỗi năm hai vụ hả hê. Người ta không có thời gian để ý, rằng chim chóc đã bỏ đi sạch và cá tôm cũng thưa dần. Người ta cũng không hiểu vì sao nòng nọc cũng ít, đêm đêm tiếng ếch tiếng nhái cũng chỉ còn trong xa vắng.
3. Mười năm nữa. Các thớt thịt ngoài chợ gân cổ đoan chắc, bò là bò chứ không có trâu giả bò như xưa, trâu giờ đốt đuốc kiếm cũng không ra! Người ta cũng bắt đầu phun thuốc diệt cỏ vườn, cũng không ai nghĩ phải mang khẩu trang. Và bắt đầu cả xịt thuốc sâu thẳng vào trái trên cành trong tiếng nguyền rủa “cái lũ gì hung dữ lên quá trời”. Phải, con sâu đã ma lanh hơn, đâu chỉ con người mới có bản năng sinh tồn.
Đồng lúa gọi là cao sản nơi nơi, đua nhau mỗi năm ba vụ. Người già kêu lên “Kiểu gì mà lúa ba tháng thì gặt?”, người nghe thản nhiên “Con heo đó, cũng nuôi kiểu gì sáu tháng vô trăm ký!”. Nhà nông cắm cúi với năng suất và sản lượng, rung đùi khi tiền đầy túi và cũng sau đó đã lại khóc rống lên “được mùa rớt giá”. Họ không hiểu gì về các vấn nạn đã giáng xuống thầm lặng năm này qua năm khác. Đồng không còn chim, sông không còn tôm cá, những con đỉa cũng biến đâu hết, bướm không còn cho hoa, đom đóm cũng không có để cây bần được thắp đèn, không còn gì cả.
Người ta thích nghi, người ta khao khát đèn điện và bê tông. Người ta nuôi cá trong ao trong bè, nuôi lươn trong bể xi măng, người ta kêu nước mưa cũng độc hại, phải nước giếng nước ngầm cơ. Bây giờ trái gì cũng thương lái vô tận nơi, chuối, mít, xoài, sầu riêng… hái một lượt và vẫy “thứ gì thần kỳ lắm vô, hai ba đêm chín hết, không cần ủ bằng lá chuối phơi nóng hay bằng đất đèn, hay lắm!”.
4. Nửa thế kỷ, cô bé ngày xưa thành bà nội bà ngoại. Đề làm văn tả con gà, cháu của bà bảo gần như cả lớp tả con gà làm sẵn trong túi nilon. Cầm lên cánh diều định mua cho cháu, nhưng lưới điện giăng giăng, đành hạ xuống. Đêm đêm, các nhóm tìm sóc trên cành cây đô thị đùng đùng sát khí với súng hơi, bà thấy nhưng không dám ngăn. Đưa cháu đi du lịch những khu tâm linh, chúng rùng mình thấy cheo, thấy mễn treo nguyên con và trên thớt thịt là nai, hươu. Thôi, sau đi Đà Lạt cho gần, nhưng “mỗi năm cây thông Đà Lạt lùn hơn là sao bà?”. Eo ơi, do thông cổ thụ bị giết sống, cái ta đang thấy là thông non!
Bây giờ lên xe là chúng gà gật, “không có gì xem cả, nhà liền nhà, mệt mắt quá”. Về quê chớp nhoáng, đất đai chia nhỏ, cũng nhà với nhà, vườn thổ cư uể oải và chỉ có muỗi mòng túa ra khi đêm xuống. Những cánh đồng hoang trễ, người trẻ đi xuất khẩu, đi làm công nhân, gạo rẻ như bèo, không ai thiết nữa bởi lại điệp khúc “được mùa rớt giá”. Sao bảo tuổi thơ của bà thần tiên, chắc vì bà đọc sách nhiều nên tưởng tượng đó ra, đúng không?
Đất đai sông ngòi biển cả không của riêng ai. Chúng được định danh chung là thiên nhiên của muôn loài. Trong đường biên của từng quốc gia, chúng lại có linh hồn và máu xương của bao thế hệ đã ra sức mở mang và gìn giữ. Người dân là chủ thể bởi những quy định vừa khôn ngoan vừa ngặt nghèo của luật pháp. Một đất nước xộc xệch, biết ngay, thiên nhiên ở đó sẽ bị xâm hại và cứ thế, con người cũng sẽ trở nên ô trọc và tàn độc. Chúng ta đã trả giá và sẽ phải trả giá thêm nữa, việc ấy không phải chờ lâu.
Dân sợ ăn cơm, các loại thuốc trong hạt gạo không tin được, rau và trái cũng chung công thức man rợ “trồng cho mình ăn khu vực khác với trồng cho người mua”. Người nghèo cắm cúi đưa mọi thứ vào người mặc kệ bệnh tật, kẻ giàu tìm cách bỏ đi, không, người nghèo kiệt cũng bỏ mà đi.
Minh Mạng lực lưỡng đã định vị các trung tâm và thị xã với khoảng cách gần như lý tưởng. Giữa những nơi ngày nay chúng ta gọi là đô thị là vùng nông thôn dễ chịu cho nhu cầu canh tác lớn và con người điền viên. Trong cuộc “chạy đua” lên thành phố, đô thị ken bên quốc lộ, đâu rồi vườn cây trải dài, những cánh đồng gợi cảm và những bãi biển hoang sơ? Và người ta đã thọc sâu vào rừng để phá, có điều mắt dân không nhìn thấy đó thôi.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/da-ngan-thoi-gian-giat-minh-22207.html