Đã ngáo lại ngông
'Ngáo' là thuật ngữ được sử dụng nhiều để chỉ những người thường có gương mặt ngáo ngơ, mất kiểm soát hành vi, thậm chí ảo giác mình là chim bay lượn, cá bơi dưới nước. Như vậy, ngáo có thể là người đần, ngu ngơ tương tự người thiểu năng. Nói tóm lại, ngáo là một dạng bệnh lý tâm thần và đặc điểm của nó là chỉ người ngoài nhận thấy, còn 'bệnh nhân' thì không biết họ bị ngáo bao giờ. Còn với từ ngông, xét ở góc độ động từ là những hành vi, cử chỉ thể hiện tính tự cao tự đại, coi mình là quan trọng nhất, xuất chúng hơn người khác và muốn khẳng định cái tôi tài hoa của mình cao hơn mọi người xung quanh. Có lẽ vì thế mà từ xưa đến nay, những kẻ vốn đã ngáo lại ngông thì chẳng những không làm nên trò trống gì, mà còn bị người đời khinh khi... Và Võ An Đôn là một trong những kẻ như vậy.
Kẻ đã ngáo lại ngông là ai?
Võ An Đôn sinh năm 1977, trú khu phố Phước Thịnh, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong quá trình công tác, Võ An Đôn luôn tỏ ra không có ý thức phấn đấu, chấp hành kỷ luật không nghiêm và nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ nên bị buộc thôi việc. Năm 2008, Võ An Đôn tham gia Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên và đến năm 2014, khi tham gia bào chữa vụ án “5 cán bộ công an dùng nhục hình; thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Võ An Đôn bắt đầu “lộ diện” rõ bản chất khi có nhiều phát ngôn không đúng mực tại các phiên xét xử, chỉ trích lãnh đạo của tỉnh, phê phán hệ thống pháp luật Việt Nam… Năm 2016, Võ An Đôn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhưng bị loại từ “vòng gửi xe” vì không đủ phiếu tín nhiệm của nhân dân nơi cư trú và nơi công tác. Bắt đầu từ đây, Võ An Đôn đã có những biểu hiện “ngông” và “bất mãn”. Vì thế, tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong con người này bột phát nhanh.
Là luật sư nhưng Võ An Đôn chỉ nhận bào chữa các vụ việc sai phạm của cán bộ cơ quan nhà nước hoặc những vụ án liên quan đến tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, như vụ: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Khánh Hòa, vụ Nguyễn Hữu Quốc Duy hoặc vụ Trần Anh Kim và đồng bọn “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tại Thái Bình; vụ Nguyễn Văn Thông “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”… Và khi tham gia bào chữa trong những vụ án nêu trên, Võ An Đôn thường tìm cách phủ nhận các tài liệu, chứng cứ và kết luận của cơ quan điều tra. Từ đó, Đôn lớn tiếng biện minh một cách vô căn cứ rằng, những hành vi của các đối tượng đều không phạm tội.
Chưa hết, trước và sau khi các phiên tòa diễn ra, Võ An Đôn thường xuyên đưa tin, bài viết lên mạng xã hội facebook với nội dung phủ nhận hệ thống tư pháp ở Việt Nam rằng, những phiên tòa xét xử các tội danh nêu trên đều là các vụ án “bỏ túi”. Võ An Đôn còn ngỗ ngược khẳng định: Các luật sư có mặt tại phiên tòa chỉ để “cho đẹp đội hình”. Ngoài ra, Võ An Đôn còn thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết lên tài khoản facebook “Đôn An Võ” với nội dung mang tính tiêu cực, nguồn gốc thông tin không được kiểm chứng, thậm chí có không ít thông tin bị xuyên tạc, bịa đặt…, nhằm tác động hoặc gây ảnh hưởng đến dư luận, tạo nên một bức tranh xã hội đen tối dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và những sai phạm này đã được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Phú Yên nhiều lần họp nhắc nhở nhưng Võ An Đôn không thừa nhận sai phạm, không khắc phục. Vì vậy, ngày 26-11-2017, Võ An Đôn bị kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi Đoàn luật sư Phú Yên và bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
Thành công không đến với kẻ kiêu ngạo
Không chỉ giới luật sư và đông đảo người dân khắp 3 miền cũng như cộng đồng mạng hiểu quá rõ về cái gọi là luật sư “dân chủ”, luật sư “dân oan” của Võ An Đôn. Bởi đó thực chất chỉ là vỏ bọc mà một số tổ chức, cá nhân cùng hội cùng thuyền tạo ra để che đậy bản chất thật của y là kẻ chửi thuê, cãi mướn bằng lý cùn để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bằng chứng là ngay sau khi được phép xuất cảnh ngày 27-10-2023, thì ngày 3-11-2023, tại Hoa Kỳ, Võ An Đôn lại tiếp tục trở chứng xổ ra những lời của một kẻ bất mãn. Cụ thể, trên trang facebook của VOA, BBC, RFI, RFA, Việt Tân, Thanh niên công giáo…, đã phát tán bài viết có tựa đề: “Đoàn luật sư hải ngoại”. Nội dung bài viết này có đoạn trích đăng cái gọi là ý kiến của Võ An Đôn: Tôi kêu gọi các luật sư Việt Nam đang tị nạn tại Mỹ thành lập “Đoàn Luật sư Việt Nam hải ngoại” và “phiên tòa nhân dân”.
Chưa hết, để giải thích cho hành vi này, Võ An Đôn đưa ra “tối kiến”: “Nhằm mục đích khai dân trí, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân trong nước và lên tiếng với những bất công của xã hội Việt Nam”. Về lý do thành lập “phiên tòa nhân dân”, y đưa ra lý giải rằng, “vì đây là phiên tòa do người dân tự lập, không phải phiên tòa của tòa án nhà nước. Còn tòa án trong nước mang tên tòa án nhân dân là phiên tòa giả, không phải của nhân dân lập mà là của đảng cộng sản dựng lên để xử người dân”. Đồng thời, y cũng “đề xuất” về cơ chế thành lập và hoạt động của hai cái tổ chức quái đản nêu trên: Phiên tòa nhân dân do các luật sư lập, xét xử bất kỳ quan chức nào trong bộ máy chính quyền Việt Nam vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam. Phiên tòa này xét xử trực tuyến, hội đồng xét xử là các luật sư, bồi thẩm đoàn là người Việt trong và ngoài nước.
Đến đây thì mọi người đã hiểu rõ năng lực chuyên môn của một kẻ mang danh là luật sư “dân chủ”, luật sư “dân oan” của y đạt tới mức nào. Bởi lẽ, lịch sử phát triển ngành tư pháp từ xưa tới nay và từ Đông sang Tây chẳng nơi nào xảy ra việc người ở quốc gia này vi phạm pháp luật của nước mình, nhưng lại do tòa án tại quốc gia khác xét xử. Hơn nữa, phiên tòa ấy lại do chính người dân sống lưu vong tự lập ra và xét xử thông qua “Bồi thẩm đoàn”. Trong khi đó, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Bồi thẩm đoàn” là một tập hợp thường dân được tòa án ủy nhiệm việc xét xử một vụ án… Nhiệm vụ chính của bồi thẩm đoàn là xem xét, cân nhắc các bằng chứng để tuyên án có tội hay vô tội sau khi nghe công tố viên và luật sư bị cáo dẫn giải và lý luận tại phiên tòa. Từ khái niệm nêu trên chắc chắn mọi người đã biết, các bồi thẩm đoàn trong “phiên tòa nhân dân” của y sẽ không ai khác ngoài những kẻ phản quốc hại dân trong các tổ chức phản động lưu vong. Hơn nữa, Hiến pháp hiện hành của Việt Nam quy định rõ, là công dân Việt Nam thì chỉ có tòa án của Việt Nam mới có quyền kết tội và chỉ khi có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người đó mới có tội. Vậy thử hỏi, việc thành lập “phiên tòa nhân dân” lưu vong của Võ An Đôn phỏng có ích gì ngoài mục đích phá hoại? Từng là luật sư nhưng Võ An Đôn lại cố tình bẻ cong pháp luật để kiếm miếng cơm, manh áo nơi đất khách quê người thì sự tồn tại của y chỉ là nỗi nhục của người thân và dòng họ. Sinh ra trên cõi đời này ai cũng muốn thành công trong cuộc sống, nhưng muốn có được điều đó thì đừng ai quên rằng, thành công và kiêu ngạo là kẻ thù của nhau.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/151439/da-ngao-lai-ngong