'Đã nghèo lại mắc cái eo': Phụ nữ Arab chới với trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đẩy nhiều phụ nữ Arab ở Trung Đông-Bắc Phi vào cảnh mất việc, mất thu nhập, dẫn đến hứng chịu nhiều hơn bạo lực gia đình.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều phụ nữ Arab ở Trung Đông - Bắc Phi bị mất việc làm. (Nguồn: DW)

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều phụ nữ Arab ở Trung Đông - Bắc Phi bị mất việc làm. (Nguồn: DW)

Một cuộc khảo sát mới của Arab Barometer đưa ra những số liệu củng cố thêm những thực tế khắc nghiệt về đời sống của nhiều phụ nữ ở Trung Đông và Bắc Phi.

Khi Covid-19 ập đến, cuộc sống của Heba Morda, một thợ làm móng, 20 tuổi, bị đảo lộn.

"Kể từ khi bắt đầu phong tỏa vào tháng 3/2020, công việc của tôi đã trở nên tồi tệ", người mẹ của 3 đứa con ở Beirut, Lebanon nói.

Heba Morda cho biết: "Lúc đầu, chủ cửa hàng trừ lương của chúng tôi vì không có khách. Sau đó, vào tháng 7/2020, chủ cửa hàng quyết định cho chúng tôi nghỉ việc".

Rất nhiều phụ nữ rơi vào tình cảnh giống Morda dù họ không mong muốn.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ lao động nữ ở Trung Đông đã thấp nhất thế giới, với mức trung bình là 27%.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tình trạng trên đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19.

Sau châu Mỹ, các quốc gia Ả Rập đã có sự sụt giảm số lượng phụ nữ có việc làm cao thứ hai: tỷ lệ 4,1% so với 1,8% ở nam giới từ năm 2019 đến năm 2020.

Báo cáo của ILO kết luận: "Thiếu việc làm và thu nhập suy giảm mà phụ nữ phải gánh chịu trong đại dịch sẽ vẫn tồn tại trong thời gian tới ”.

Bạo lực gia đình gia tăng

Một mối quan tâm cấp bách khác ở Trung Đông còn là vấn nạn bạo lực gia đình gia tăng trong thời kỳ đại dịch.

Ít nhất một phần tư phụ nữ ở các quốc gia Arab được khảo sát cho thấy sự gia tăng bạo lực trên cơ sở giới (BLG) trong đợt khảo sát đầu tiên của Arab Barometer, được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 10/2020. Tại Morocco và Algeria, 47% phụ nữ cho biết, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, ở Tunisia thậm chí tới 69%.

Trong đợt khảo sát mới nhất, được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 4/2021, con số này đã giảm xuống 25% ở Morocco, 24% ở Algeria và 62% ở Tunisia.

Báo cáo của ILO Việt Nam tháng 3/2021 cho thấy, hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ này ở cấp độ toàn cầu là 47,2% và tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 43,9%.

Tuy nhiên, ở Libya, tỷ lệ tăng nhẹ từ 26% lên 29% trong khi nó tăng vọt ở Jordan từ 29% lên 55% và ở Lebanon từ 23% lên 43%.

MaryClare Roche, người đứng đầu Arab Barometer cho biết: "Jordan và Lebanon nói riêng đã có sự gia tăng đột biến về tình trạng gia tăng bạo lực gia đình. Chúng tôi không có mối liên hệ nhân quả giữa bạo lực gia đình và tỷ lệ ca nhiễm Covid-19, nhưng mối tương quan cho thấy vấn đề đáng được nghiên cứu thêm".

Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền, nhấn mạnh, "những hạn chế mới về di chuyển khiến phụ nữ thậm chí còn khó đến những nơi an toàn khi bị đe dọa".

Tổ chức bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ có trụ sở tại Dublin nhấn mạnh rằng, "điều quan trọng là mạng lưới bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ phải được thúc đẩy nhằm giải quyết những thách thức chung mà họ phải đối mặt và hỗ trợ nhau khi họ gặp rủi ro".

Rào cản xã hội

Mở ra các cơ hội và giảm bớt các rào cản xã hội cho phụ nữ ở Trung Đông và Bắc Phi được coi là những cách bền vững nhất để hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình.

MaryClare Roche nói: “Việc tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động nữ có thể giúp bảo vệ phụ nữ gấp hai lần: Thứ nhất, bằng cách giảm thời gian phụ nữ ở bên kẻ bạo hành và thứ hai, bằng cách cung cấp một mức độ độc lập về kinh tế khỏi kẻ bạo hành mình”.

Cô dâu trẻ này bị chồng tấn công bằng cách tạt axít. (Nguồn: DW)

Cô dâu trẻ này bị chồng tấn công bằng cách tạt axít. (Nguồn: DW)

Tuy nhiên, việc cung cấp một khuôn khổ đầy đủ nhằm hỗ trợ tốt cho những phụ nữ kém may mắn lại nằm trong tay các chính phủ.

Roche nói thêm, khi khảo sát các công dân ở Trung Đông và Bắc Phi về những rào cản đối với phụ nữ tham gia lực lượng lao động cho thấy, những hạn chế về cấu trúc, tức là những rào cản mà chính phủ có thể tác động đến, là những trở ngại phổ biến nhất. Những rào cản này là thiếu các nhà trẻ, thiếu phương tiện đi lại và lương thấp.

MaryClare Roche, người đứng đầu Arab Barometer cho rằng, nếu các chính phủ có các chính sách tăng cường giao thông công cộng, các chương trình chăm sóc trẻ em trước và sau giờ học, đồng thời tăng mức lương tiêu chuẩn, thì sẽ có nhiều phụ nữ độc lập về tài chính hơn ở Trung Đông.

Đối với Heba Morda, tình hình tài chính bắt đầu có dấu hiệu khả quan vào tháng 6 năm nay. Cô vừa tìm được công việc khác và hy vọng, chỗ làm mới sẽ không phải đóng cửa do đại dịch. Với Morda, thu nhập đóng vai trò thiết yếu trong việc nuôi sống và đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Ngày 19/7, ILO công bố báo cáo cho thấy, trên thế giới, nữ giới chịu tác động từ tình trạng mất việc làm vì đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với nam giới. Theo đó, trong các giai đoạn giãn cách xã hội để phòng dịch, phụ nữ đứng trước nguy cơ bị nghỉ việc hoặc rút ngắn thời gian làm việc cao hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lưu trú, dịch vụ thực phẩm và sản xuất. Nhiều phụ nữ không chỉ bị giảm mạnh thu nhập mà còn phải gánh thêm những việc không lương khác. Năm 2021, số phụ nữ có việc làm dự báo sẽ thấp hơn 13 triệu người so với mức ghi nhận năm 2019, trong khi số nam giới có việc làm sẽ hồi phục về mức tương đương năm 2019. Chỉ khoảng 43,2% phụ nữ trong độ tuổi làm việc tìm được việc làm trong năm 2021, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 68,6%.

(theo DW)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/da-ngheo-lai-mac-cai-eo-phu-nu-arab-choi-voi-trong-dai-dich-covid-19-153520.html