'Đả nữ báo thù' gây buồn ngủ

'Revolver' đưa người xem vào hành trình đòi lại công lý của cựu cảnh sát Soo Young chậm rãi đến uể oải. Tác phẩm tẻ nhạt, lê thê với những đoạn hội thoại như phim truyền hình.

Genre: Hồi hộp, Tội phạm
Director: Oh Seung Uk
Cast: Ji Chang Wook, Lim Ji Yeon, Jeon Do Yeon...
Rating: 5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Đả nữ báo thù (tựa tiếng Anh: Revolver) do Oh Seung Uk cầm trịch. Tác phẩm đánh dấu màn tái hợp tác của vị đạo diễn cùng ảnh hậu Jeon Do Yeon sau 9 năm, kể từ The Shameless - series phim cùng thuộc thể loại chính kịch/tội phạm ra mắt năm 2015. Trước đó, cú bắt tay giữa cả hai đã mang lại loạt giải thưởng và đề cử danh giá tại nhiều lễ trao giải lớn. Điều này khiến người xem đặt nhiều kỳ vọng vào dự án hợp tác mới của bộ đôi.

Nhưng trái ngược hoàn toàn với mong đợi, lần trở lại này của Oh Seung Uk cùng Jeon Do Yeon gây thất vọng. Dự án điện ảnh mới vẫn thuộc dòng neo-noir, nhưng nội dung lại nhạt nhòa, kém thu hút tới khó tin.

Phim có tựa tiếng Hàn được dịch sát nghĩa là “súng ngắn ổ xoay”. Khi về Việt Nam, tựa phim được Việt hóa là “Đả nữ báo thù”, một cái tên khá kêu, gợi mở về một hành trình phục hận kịch tính và đẫm máu. Song, người xem hẳn sẽ thất vọng khi mong đợi điều này xuất hiện trong Revolver.

Nội dung gây... buồn ngủ

Soo Young (Jeon Do Yeon), một nữ cảnh sát có cuộc sống bấp bênh vì mức lương ít ỏi bất ngờ bị vướng vào bê bối tham nhũng cùng chồng - cũng là đội trưởng cảnh sát. Cô chấp nhận thỏa thuận với gã phú nhị đại ăn chơi trác táng Andy (Ji Chang Wook). Theo đó, Soo Young phải ngồi tù oan 2 năm. Đổi lại, cô được hứa hẹn nhận khoản tiền bồi thường kếch xù, đủ để sống sung sướng nốt phần đời còn lại.

Thế nhưng, ngày mãn hạn tù, Soo Young vỡ mộng khi phát hiện mình bị lừa. Andy biến mất không chút tăm hơi, khoản bồi thường dành cho cô cũng tan thành mây khói. Rơi vào cảnh chẳng còn gì để mất, cựu cảnh sát bất chấp tất cả để đòi lại những thứ thuộc về mình.

 Phong cách slow-burn của Revolver khó tiếp cận đại chúng.

Phong cách slow-burn của Revolver khó tiếp cận đại chúng.

Cách dẫn dắt câu chuyện đơn giản, theo trật tự tuyến tính thông thường. Đạo diễn mất tầm nửa tiếng để giới thiệu nhân vật và sắp đặt tình huống. Với phong cách “slow-burn”, Revolver có nhịp điệu cực kỳ thong dong, từ tốn.

Không có những cú twist ngoạn mục hay tình tiết giật gân bùng nổ, đứa con tinh thần của Oh Seung Uk đưa người xem vào hành trình đòi lại công lý của cựu cảnh sát Soo Young chậm rãi đến uể oải. Tính cách, số phận và hành trình tâm lý của nhân vật được lật mở qua những đoạn hội thoại dài đằng đẵng, xuất hiện dày đặc xuyên suốt thời lượng 115 phút của phim.

Trái ngược với tựa đề, Đả nữ báo thù rõ ràng không phải một bộ phim hành động. Tác phẩm thiên về yếu tố giật gân, tâm lý nhiều hơn khi hướng ống kính vào cuộc đấu tranh từ nội tâm tới hành động của nữ chính với kẻ “mắc nợ” mình. Song, hành trình này thực tế gây... buồn ngủ vì các yếu tố giật gân cần có của dòng thriller hoàn toàn mất dấu. Phim tẻ nhạt, với mớ tình tiết nghèo nàn đến thảm thương.

Không có kế hoạch hay những mưu sách, cuộc đấu trí căng thẳng, hiểm hóc, thứ mà người xem chứng kiến chỉ là màn “đòi nợ” theo kiểu trực diện, song lại được bày biện một cách rườm rà và lê thê. Phong cách kể chuyện chậm chạp của đạo diễn khiến người xem cảm giác mệt mỏi vì thiếu kiên nhẫn thay vì hồi hộp. Đả nữ báo thù lan man như phim truyền hình ở hai hồi đầu, trong khi hồi cuối với cảnh cao trào ít ỏi cũng thất bại trong việc đẩy cảm xúc người xem.

Lãng phí dàn sao

Không khó để nhận ra tham vọng của nhà sản xuất khi đặt những cái tên Ji Chang Wook, Lim Ji Yeon và Jeon Do Yeon đứng cùng nhau. Cả ba đều là những gương mặt giàu sức hút, trước đó có hàng loạt dự án đình đám, ăn khách. Thậm chí, sự xuất hiện của ảnh hậu Cannes Jeon Do Yeon còn là sự bảo chứng cho chất lượng diễn xuất trong tác phẩm.

 Nhiều nhân vật xuất hiện thừa thãi.

Nhiều nhân vật xuất hiện thừa thãi.

Thật vậy, Jeon Do Yeon có màn thể hiện không vết xước trong vai người đàn bà bị dồn vào đường cùng. Không chỉ cảnh hành động, việc lột tả thế giới nội tâmnhân vật cũng không phải công việc khó với Jeon Do Yeon. Chưa nói, nhân vật này dường như “thiết kế riêng” mà Oh Seung Uk dành cho ảnh hậu. Soo Young hiện lên với nét khô khốc trong tính cách, bộc lộ đủ sự điềm tĩnh, lạnh lùng và bất cần của một người mất tất cả. Bị dồn vào chân tường, cơn giận dữ, uất hận và năng lượng sống trong nhân vật bùng lên hừng hực như ngọn lửa, thứ duy nhất hâm nóng bầu không khí ảm đạm của phim.

“Tiền là một căn bệnh”, nhân vật của Emma Stone từng nói trong Poor Things. Với Revolver, “căn bệnh” này hành hạ Soo Young đến kiệt quệ, từ lúc chưa vướng vòng lao lý cho tới khi phát hiện mình bị lừa. Mỗi diễn biến tâm lý đều được Jeon Do Yeon khắc họa sinh động, làm chân dung nhân vật hiện lên sắc nét trong mắt người xem. Tuy nhiên, màn thể hiện của nữ diễn viên vẫn chưa đủ “cứu” nhân vật khi đặt trong một kịch bản rườm rà, với nhiều điểm hở sườn, chệch choạc thất thường.

Cái chết không phải cuộc phiêu lưu với những ai đối mặt với nó. Thế nhưng, Soo Young lại không hề hay biết, hoặc chưa lường trước bản thân sẽ đối diện điều gì khi “đút tay vào miệng cọp”. Thỏa thuận dễ dãi, hay sự tin người thái quá mang lại cảm giác ngô nghê, thiếu sự ăn khớp với tính cách nhân vật. Điều này khiến người xem chưa dễ tin vào hành trình báo thù của Soo Young sau đó, bất kể Jeon Do Yeon có thể hiện xuất thần thế nào.

Chẳng riêng Soo Young, các vai diễn khác đều có điểm chung “tỏ ra nguy hiểm”, nhưng lại thường suy nghĩ hay đưa ra quyết định ngô nghê, đặc biệt trong những phút chót. Họ hoặc ngờ nghệch, ngu ngốc, hoặc vô tư, hèn nhát hay điên rồ tới khó hiểu.

Revolver quy tụ dàn cast chất lượng, nhưng đáng tiếc, các ngôi sao đều vụt tắt trong kịch bản nhạt nhòa. Cả Ji Chang Wook hay Lim Ji Yeon hầu như dừng lại ở mức tròn vai, không có nhiều cơ hội tung hứng trong cùng phân cảnh.

 Quy tụ dàn sao nổi tiếng không giúp Revolver trở nên hấp dẫn hơn.

Quy tụ dàn sao nổi tiếng không giúp Revolver trở nên hấp dẫn hơn.

Cái kết mà Revolver dành cho dàn nhân vật cũng kém trọn vẹn. Có vẻ như Oh Seung Uk chủ đích không đưa ra câu trả lời cụ thể mà để khán giả tự suy ngẫm. Song, việc thiếu quyết liệt trong bài học và thông điệp gửi gắm khiến tác phẩm mất điểm.

Đó là chưa kể sự lưng chừng trong hành trình của loạt nhân vật phụ. Họ xuất hiện nhưng không được trao cho câu chuyện hay background cụ thể, chỉ là công cụ cho biên kịch tô vẽ hành trình trả thù lê thê, kém hấp dẫn của một nữ chính “đạo đức mập mờ”.

Hoàng Nhi

Nguồn Znews: https://znews.vn/da-nu-bao-thu-gay-buon-ngu-post1494108.html