Đã phải báo động về tình trạng lịch thi đấu quá dày?

Không chỉ đơn giản là những lo ngại về lịch thi đấu quá dày trước khi mùa giải mới 2024 - 2025 diễn ra, mà cho đến hiện tại khi mùa giải đã bắt đầu thì những ý kiến phản đối về lịch thi đấu đang diễn ra ngày càng quyết liệt hơn khi tình trạng đã đến mức phải báo động.

Chấn thương cho đến hết mùa giải của Rodri là minh chứng hữu hiệu nhất cho những phản ứng về lịch thi đấu dày đặc của huấn luyện viên Pep Guardiola.

Trước khi mùa giải mới 2024 - 2025 bắt đầu, là thời điểm UEFA công bố thể thức mới cho các cúp châu Âu với số lượng trận đấu tăng vọt so với trước, đã có rất nhiều ý kiến lo ngại cho các cầu thủ sẽ bị bào mòn thể lực mà không kịp hồi phục do lịch thi đấu quá dày. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, đá nhiều thì nhận nhiều tiền, các cầu thủ ngôi sao nhận lương cao thì phải bỏ công sức ra tương ứng chứ có gì mà phàn nàn. Nhưng thực tế có đơn giản như vậy hay không?

Thực tế thì các giải đấu lớn cấp câu lạc bộ có hấp dẫn hay không đều phụ thuộc vào việc có nhiều câu lạc bộ lớn tham gia hay không. Mà ở các câu lạc bộ lớn, hiển nhiên sẽ có nhiều cầu thủ ngôi sao làm trụ cột ở đó. Như vậy một khi số trận ở cấp độ câu lạc bộ gia tăng, các cầu thủ ngôi sao này cũng sẽ phải thi đấu nhiều thêm. Ngoài ra, những cầu thủ ngôi sao ở các câu lạc bộ lớn này đa phần cũng sẽ là trụ cột ở đội tuyển quốc gia của họ. Như vậy ngoài việc thi đấu cho câu lạc bộ, thì các cầu thủ ngôi sao này còn phải phục vụ cho đội tuyển quốc gia trong những ngày được gọi là FIFA days.

Như vậy một cầu thủ nếu vừa thi đấu cho câu lạc bộ lớm, vừa phục vụ cho đội tuyển quốc gia, thì số lượng trận đấu mỗi mùa giải của cầu thủ này sẽ phải lên tới con số 60 đến 80 trận. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian giữa các trận đấu sẽ bị rút ngắn lại, thời gian phải thi đấu bị kéo dài ra, thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe hiển nhiên sẽ bị thu ngắn đi đáng kể. Lịch thi đấu như vậy hiển nhiên sẽ vắt kiệt sức lực của cầu thủ, hệ quả kéo theo là sự suy giảm về mặt thể lực, phong độ đi xuống, thậm chí là chấn thương sẽ xảy ra dễ dàng hơn khi cầu thủ đã không thể đảm bảo được 100% thể năng khi ra sân.

Một ví dụ về lịch thi đấu dày đặc, chẳng hạn như một cầu thủ ngôi sao vừa thi đấu cho câu lạc bộ thuộc Big Six tại Ngoại hạng Anh, vừa thi đấu cho đội tuyển quốc gia Anh, thì sắp tới từ ngày 11-10 cho đến ngày 13-10 họ sẽ có 2 trận thi đấu cho đội tuyển Anh tại UEFA Nations League, sau đó họ sẽ quay về Anh thi đấu tại Ngoại hạng Anh từ ngày 19-10, rồi thi đấu tại Champions League vào ngày 22-10. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình họ sẽ phải thi đấu với cường độ 3 ngàyrận, chưa tính tới thời gian di chuyển giữa các quốc gia để thi đấu.

Lịch thi đấu như vậy là chưa kể tới những cúp khác mà họ có thể sẽ phải ra sân thi đấu, chẳng hạn như cúp FA, cúp Liên đoàn Anh, hoặc FIFA Club World Cup phiên bản mới mở rộng lên tới 32 câu lạc bộ, mà chính FIFA đang yêu cầu các câu lạc bộ phải sử dụng đội hình tốt nhất của họ khi đăng ký thi đấu. Với lịch thi đấu càng ngày càng dày như vậy, phải chăng chỉ cần nhận thêm nhiều tiền là đủ? Cái đó thì chưa chắc khi để đảm bảo lực lượng cho những giải đấu chính, thì các câu lạc bộ lớn sẽ phải đổ rất nhiều tiền vào thị trường chuyển nhượng để làm dày thêm đội hình, đồng thời cũng phải chấp nhận “nuôi không” các ngôi sao khi họ gặp phải chấn thương dài hạn.

Có thật là thi đấu nhiều thì nhận nhiều tiền nên không có gì phải phàn nàn không? Hãy nhìn vào danh sách chấn thương của các câu lạc bộ hàng đầu của Ngoại hạng Anh, Tottenham có Son Heung-Min, Richarlison… không thể thi đấu do chấn thương; Manchester United có chấn thương dài hạn của Tyrell Malacia, Mason Mount, Luke Shaw…; Chelsea có trường hợp của Reece James, Omari Kellyman…, Arsenal có trường hợp của Martin Odegaard, Jurrien Timber, Ben White, Oleksandr Zinchenko…; Manchester City có trường hợp của Rodri, Kevin De Bruyne, Nathan Ake…; Liverpool thì có Harvey Elliott, Federico Chiesa… chưa biết khi nào mới có thể thi đấu trở lại.

Chỉ mới trải qua một đợt thi đấu dày đặc theo lịch thi đấu mới, số lượng cầu thủ chấn thương của các câu lạc bộ lớn đã nhiều như vậy, thì đến những giai đoạn căng thẳng của mùa giải không biết những câu lạc bộ lớn này còn có thể giữ được bao nhiêu trụ cột trong đội hình chính “nguyên vẹn” cho tới hết mùa giải. Mà một khi chịu sự ảnh hưởng của bão chấn thương khiến các câu lạc bộ lớn này bị loại, các trụ cột đội tuyển thì không thể thi đấu dẫn tới thành tích bị ảnh hưởng, thì liệu sức hấp dẫn của giải đấu có còn, hoặc số tiền thu thêm được của các câu lạc bộ có bù đắp được thiệt hại hay không? Hay đơn giản là mất nhiều hơn được.

Với sự “tận thu” của FIFA và UEFA thông qua việc bắt ép các câu lạc bộ cùng các cầu thủ phải tham gia và thi đấu với lịch dày đặc như vậy, có lẽ chất lượng của giải đấu khó lòng mà tăng cao được. Thậm chí sẽ đến một thời điểm nào đó, sự phản đối và tự bảo vệ bản thân của các cầu thủ sẽ bùng phát khó lòng kiểm soát.

CAO DUY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-quoc-te/202410/da-phai-bao-dong-ve-tinh-trang-lich-thi-dau-qua-day-e89453c/