Đà phục hồi kinh tế trong đại dịch bị thách thức vì... tiền tiết kiệm

Trong đại dịch Covid-19, nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn và kích thích nền kinh tế đang điêu đứng, một số quốc gia đã áp dụng biện pháp phát tiền cho người dân. Nhưng dù khó khăn, những người được nhận tiền lại không vội vàng tiêu ngay mà đem gửi tiết kiệm, khiến mục tiêu kích thích tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Thái Lan là một trong những quốc gia gần đây lên kế hoạch áp dụng cách phát tiền cho dân, nhưng rút kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, chính phủ nước này yêu cầu những người được phát tiền phải cam kết sử dụng số tiền đó để chi tiêu mỗi ngày. Chính phủ sẽ phát 3.000 baht tiền mặt cho mỗi người dân đủ điều kiện hưởng. Theo đó, người nhận tiền phải chi ít nhất 100 baht mỗi ngày tại các cửa hàng có đăng ký tham gia chương trình 100 baht này. Nếu người dùng chi tiêu 100 baht tại cửa hàng thì họ sẽ chỉ phải trả 50 baht, còn lại 50 baht chính phủ sẽ chi trả. Đây là cách làm để bảo đảm chi tiêu của người tiêu dùng được phân bổ cho các cửa hàng khác nhau, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ lẻ như tiệm mì hay thịt nướng, thay vì số tiền lớn được chi một lần. Trên tờ Bưu điện Bangkok, nguồn tin giấu tên từ Bộ Tài chính Thái Lan cho biết, điều này phù hợp với mục tiêu kích thích chung nền kinh tế mà chính phủ đề ra.

 Đại dịch Covid-19 làm nhiều nền kinh tế trên thế giới lao đao. Ảnh minh họa: Bangkok Post.

Đại dịch Covid-19 làm nhiều nền kinh tế trên thế giới lao đao. Ảnh minh họa: Bangkok Post.

Chưa rõ hiệu quả của cách làm này tới đâu, nhưng ít ra cũng ngăn được việc người dân đem tiền gửi tiết kiệm thay vì chi tiêu như ở một số nước thời gian qua. Các con số thống kê cho thấy tỷ lệ, người dân gửi tiền tiết kiệm tăng vọt khi các chính phủ bắt đầu phát tiền cho người dân để vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Như ở Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng lên mức kỷ lục 33,6% vào tháng 4 vừa qua, cũng là thời gian nước Mỹ ở giai đoạn cao điểm của đợt phong tỏa vì đại dịch Covid-19, nhưng sau đó giảm về 14,1% vào tháng 8. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều so với 8,3% vào tháng 2, trước khi đại dịch xảy ra. Tại Australia, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình là 19,8% trong quý II, tăng mạnh so với 3,6% quý cuối năm ngoái. Trong khi đó, ở Canada, con số này là 28,2% trong quý II và 3,6% cuối tháng 12-2019. Còn tại Nhật Bản, chính phủ đã thực hiện chính sách phát tiền cho người dân từ đầu năm, tương đương 950USD mỗi người. Theo khảo sát thì một phần tư số người được nhận khoản tiền này cho biết họ sẽ tiết kiệm.

Cục Thống kê Australia ước tính khoảng 20% số tiền chính phủ trợ cấp lương thời điểm dịch và 40% trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã được người nhận cho vào tài khoản tiết kiệm. Còn ở Mỹ, tiền cứu trợ cùng các biện pháp như hoãn trả nợ mua nhà và vay học đại học khiến nhiều người dân mang tiền trả bớt nợ.

Giới chuyên gia cho biết, tỷ lệ tiết kiệm cao là một thách thức lớn đối với các chính phủ đang tìm kiếm sự phục hồi kinh tế dựa trên tiêu dùng. Người tiêu dùng kìm hãm việc mua những tài sản lớn như ô tô để chi tiêu cho những thứ rẻ hơn.

Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, ông Stephen Halmarick đánh giá, trên thực tế việc chi tiêu nhiều là rất khó khăn vì không ai biết khi nào mới có vaccine ngừa Covid-19 và còn phải sống chung với virus bao lâu nữa nên việc tiết kiệm có ý nghĩa rất lớn.

Hơn nữa không phải lúc nào người dân cũng hưởng ứng chính sách kích cầu, như trường hợp Australia trong cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước. Vào giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, chính phủ liên bang giảm giá dịch vụ chăm sóc trẻ em, giảm thuế và phát 900 đô-la Australia (654USD) cho các cá nhân. Tuy nhiên, dù lãi suất bị cắt giảm và người dân có thêm thu nhập, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình vẫn tăng. Và lần này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một lần nữa cho thấy xu hướng này vẫn phổ biến và người dân không từ bỏ hành vi quen thuộc của mình trong khủng hoảng, đó là gửi tiền tiết kiệm nhằm ứng phó với các khủng hoảng khác có thể tới trong tương lai, chẳng hạn như một cú sốc kinh tế mới.

Ngoài ra, theo ông Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại RBC Capital Markets, các nhà hoạch định chính sách chỉ khuyến khích chứ không thể ép buộc người dân phải móc hầu bao chi tiêu. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khách quan khác làm giảm tiêu dùng, bao gồm việc các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do lo ngại dịch bệnh lây lan và làm việc tại nhà nên việc tiêu tiền cũng hạn chế hơn.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ tiết kiệm không hẳn là một thách thức đối với đà phục hồi kinh tế trong khủng hoảng. Tiền gửi bổ sung có thể tăng khả năng phục hồi của hệ thống tài chính bằng cách giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào nguồn vốn ngắn hạn từ tiền gửi của các tổ chức khác. Ngoài ra, việc giảm chi tiêu trong một thời gian sẽ khiến người tiêu dùng có nhiều tiền hơn và sẽ chi tiêu nhiều hơn trong dài hạn sau một thời gian kiềm hãm do lo ngại sự bất ổn và mất niềm tin vào khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/da-phuc-hoi-kinh-te-trong-dai-dich-bi-thach-thuc-vi-tien-tiet-kiem-642491