Đã quyên góp được gần 104 tỷ đồng mua vắc xin Covid-19
Tính đến 16h ngày 3-6, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận gần 104 tỷ đồng từ sự đóng góp, thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chưa gồm tiền USD và EUR.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Quỹ vắc xin được thành lập nhằm thu hút sự đóng góp tự nguyện của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước phục vụ cho việc mua vắc xin phòng Covid-19, trong đó có mua, nhập khẩu, nghiên cứu và sản xuất vắc xin.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vắc xin phòng Covid-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Theo tính toán của Bộ Y tế, chi phí mua vắc xin sẽ cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (150 triệu liều tiêm cho 75 triệu người). Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21 nghìn tỷ đồng, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.
Để mua vắc xin, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Còn lại ngân sách địa phương chi và phải huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, khi dịch kéo dài, nhu cầu vắc xin hằng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vắc xin còn lớn hơn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Số tiền đóng góp được Bộ Tài chính cập nhật từng ngày. Ảnh: Hoàng Tuấn/Bộ Tài chính.
Theo Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, để quản lý Quỹ đạt hiệu quả tốt, hướng đến tiếp cận vắc xin cho mọi người, cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch với cơ chế rõ ràng và chi tiết về cách thức quản lý Quỹ và các nguồn đóng góp.
“Chính phủ cần tham vấn các bên liên quan để đưa ra danh sách các đối tượng ưu tiên với những tiêu chí rõ ràng, những người có nguy cơ nhiễm cao nhất như các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, công nhân trong các nhà máy có mật độ tập trung cao, người già..; những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất do các biện pháp kiểm soát và giãn cách xã hội như lao động di cư và thu nhập thấp, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và các nhóm yếu thế khác”, đại diện Oxfam tại Việt Nam đề xuất.
Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, đại diện người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tham dự sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt này.
Sự kiện sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ chinhphu.vn, baochinhphu.vn và fanpage Thông tin Chính phủ. Sự kiện được tổ chức nhằm kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19 với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và toàn cầu.
Ngày 27-5, Bộ Tài chính đã thông báo công khai rộng rãi thông tin tài khoản tiếp nhận để các tổ chức, cá nhân ủng hộ gồm:
- Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước: Tên tài khoản: Quỹ vắc xin phòng Covid-19, số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR).
- Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội: Tên tài khoản: Quỹ vắc xin phòng Covid-19, số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).
- Tài khoản tiếp nhận tiền ủng hộ từ nước ngoài: Fund for Vaccination Prevention of Coronavirus Disease 2019. Số tài khoản là: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) and 21110142996868 (EUR) tại Bank for investment and Development of Vietnam JSC; Hanoi branch - 4B Le Thanh Tong Street, Phan Chu Trinh Ward, Hoan Kiem District, Hanoi City, Vietnam; Swift code: BIDVVNVX.