Đã sẵn sàng triển khai thực hiện chương trình, SGK mới đối với lớp 1
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trong buổi làm việc về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chiều 12/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ đã có buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về công tác chuẩn bị sơ kết Nghị quyết 88 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Buổi làm việc được thực hiện trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Theo dự thảo báo cáo của Bộ GD&ĐT, để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành các văn bản, đề án có liên quan bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới. Các chương trình, đề án đang được tổ chức triển khai theo lộ trình, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88, ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với mục tiêu nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Đồng thời thực hiện đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo là người học.
Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hóa nội dung Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thành các chương trình, kế hoạch, dự án chi tiết theo từng giai đoạn, từng năm để thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Theo đó, giai đoạn 2015-2016 các bộ, ngành, địa phương tổ chức: Thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Xây dựng, phê duyệt các chương trình, dự án, đề án có liên quan; Xây dựng, biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình, sách giáo khoa mới; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa mới do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn.
Giai đoạn 2016-2018, triển khai việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, phê duyệt cho phép sử dụng và phát hành được ít nhất một bộ sách giáo khoa mới của lớp 1, lớp 6 và lớp 10; biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 6 và lớp 10; biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy định về chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới.
Tại buổi làm việc, các đại biểu nhất trí cao với các nội dung trong dự thảo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đồng thời đề xuất bổ sung thêm phần tổng quan đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Báo cáo nên đề cập thêm về tình trạng thừa thiếu giáo viên như thế nào; Tới đây khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có dạy học tích hợp, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến đội ngũ giáo viên hay như vấn đề chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được chuẩn bị đến đâu?
Theo Minh Phong/ GD&TĐ
(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)