Đa số các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương đồng thuận với dự án Luật Thương mại điện tử
Bộ Công Thương đã nhận được phản hồi từ 48 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương về dự án Luật Thương mại điện tử. Trong đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự đồng thuận, 12 bộ, cơ quan ngang bộ và 28 địa phương (với 18 địa phương nhất trí hoàn toàn) cũng đã gửi ý kiến đóng góp.

Việc tiếp thu ý kiến rộng rãi là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương hoàn thiện dự án Luật Thương mại điện tử
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật Thương mại điện tử nhằm bảo đảm tính minh bạch, đồng thuận và thực tiễn của dự án luật.
Theo đó, Bộ Công Thương đã gửi văn bản lấy ý kiến đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn đại biểu Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp. Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua nhiều hình thức như gửi văn bản chính thức (văn bản số 4558/BCT-TMĐT ngày 23/6/2025), đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cổng Thông tin pháp luật Quốc gia, cũng như tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào ngày 3/6/2025.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã tiếp nhận ý kiến góp ý từ 48 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương. Trong đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự đồng thuận với dự án Luật Thương mại điện tử. Có 12 bộ, cơ quan ngang bộ đồng tình và đồng thời đưa ra một số ý kiến bổ sung. 28 địa phương gửi phản hồi, với 18 địa phương hoàn toàn nhất trí với nội dung và cấu trúc của hồ sơ dự án luật. Ngoài ra, 1 hiệp hội và 3 tổ chức, doanh nghiệp đã gửi góp ý trực tiếp.
Việc tiếp thu ý kiến rộng rãi là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương hoàn thiện dự án Luật Thương mại điện tử, hướng tới xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững.
Chi tiết bản tổng hợp ý kiến tại đây.

Dự thảo Luật Thương mại điện tử tập trung vào 6 nhóm chính sách lớn
Dự thảo Luật Thương mại điện tử hiện đang hướng đến 02 trụ cột chính là (i) tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thất thu thuế, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; và (ii) phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững, tạo sự cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp trong nước; các yếu tố hỗ trợ cho thương mại điện tử phát triển. Hai trụ cột này được thể hiện qua 6 nhóm chính sách, bao gồm:
(1) Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.
(2) Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, người bán nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
(3) Quy định loại hình và trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số đa dịch vụ, mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử.
(4) Quy định về dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
(5) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao kết hợp đồng trong thương mại điện .
(6) Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững.
Với các nhóm chính sách nêu trên, dự thảo Luật Thương mại điện tử đặt trọng tâm để giải quyết một số vấn đề tồn đọng hiện nay như: kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong việc định danh người bán, truy vết và xử lý vi phạm; tránh thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới; nâng cao công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử và xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn tới.
Dự kiến, Luật Thương mại điện tử sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.