Đa số thống nhất giữ nguyên tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Thư viện.
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ, về tên gọi của Dự thảo Luật có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị sửa tên Luật là “Luật Dự bị động viên” cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng.
Loại ý kiến thứ hai, nhất trí với tên gọi như Dự thảo Luật Chính phủ trình, vì cho rằng tên gọi này không trái quy định của Hiến pháp, Luật Quốc phòng. Thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên không có gì vướng mắc.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tên Pháp lệnh là Lực lượng dự bị động viên, giờ nâng lên thành luật thì cũng không nhất thiết phải đổi tên. Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị cân nhắc kỹ việc đổi tên.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thay đổi tên gọi có thể tiết kiệm được hai từ nhưng lại tối nghĩa thì không nên. "Cái tên Lực lượng dự bị động viên đã đi vào tiềm thức, hiểu biết và cách ứng xử của cấp ủy, chính quyền cũng như nhân dân, vì thế không nên thay đổi", bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất giữ nguyên tên gọi như Chính phủ đã trình là Luật Lực lượng dự bị động viên vì lực lượng dự bị động viên bao gồm con người và phương tiện. Vấn đề về xây dựng trung tâm huấn luyện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định ngay trong luật để tránh lãng phí và rà soát theo từng địa bàn, sau đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trực tiếp với Chính phủ.
Thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật Thư viện.
Theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Một số ý kiến cho rằng bố cục của dự thảo Luật còn tản mạn, chưa cụ thể; cấu trúc các chương, điều, khoản chưa logic, cần kết cấu lại. Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật phân loại thư viện theo 3 tiêu chí sở hữu, chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động còn trùng lặp, lẫn lộn giữa các tiêu chí, không đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước và chưa mang tính quy phạm pháp luật.
Có ý kiến cho rằng quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện còn chung chung, khó khả thi; đề nghị chính sách Nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển tài nguyên thông tin số, hoạt động liên thông thư viện.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Dự thảo Luật bổ sung quy định về Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nội dung này nhận được ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật vì thuộc lĩnh vực xuất bản. Có ý kiến đồng ý nhưng chỉ quy định về Ngày sách Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh là hệ thống thư viện hoạt động hiệu quả, có vị trí, vai trò rất rõ, tương tự như kho lưu trữ của quốc gia, do vậy Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho hệ thống thư viện này. Với thư viện cấp huyện, cấp xã, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên phân cấp cho địa phương quản lý, Nhà nước không nên đầu tư dàn trải.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bỏ chương quy định về xếp hạng thư viện. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu quy định về xếp hạng thư viện không tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của thư viện thì không cần đưa vào Dự thảo Luật.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Văn hóa Việt Nam đang đứng trước thời kỳ thay đổi rất mạnh. Trước đây, thư viện là biểu trưng cho nền văn hóa, nhưng bây giờ, việc đọc sách đã hạn chế hơn rất nhiều, cần thay đổi khung pháp lý để duy trì sứ mệnh của thư viện trong tương lai...