Đa số ý kiến ủng hộ thành lập quỹ phòng thủ dân sự
Tổng kết phiên thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 16 ý kiến phát biểu, có 13 ý kiến đồng ý thành lập quỹ phòng thủ dân sự như đề xuất của Chính phủ.
Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Về nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự, nhiều ý kiến tại phiên thảo luận ủng hộ quy định lập quỹ phòng thủ dân sự như Chính phủ trình. ĐB Chau Chắc (An Giang) phân tích, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng trong đời sống xã hội. “Việc thành lập quỹ phòng thủ dân sự sẽ tạo ra nguồn lực lớn, góp phần hỗ trợ cho ngân sách nhà nước khi thiếu hoặc không kịp thời”, ông nói.
Chia sẻ quan điểm này, song ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, công tác quản lý quỹ cần được quy định chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát.
Cuối phiên thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn chứng một số trường hợp cụ thể cần huy động nguồn tài chính rất lớn trong một thời gian ngắn để kịp thời ứng phó với bệnh dịch, thiên tai. Đề nghị Quốc hội ủng hộ lập quỹ, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định việc quản lý quỹ sẽ đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính.
Góp ý về nội dung cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự, ĐB Dương Khắc Mai cơ bản tán thành với chủ trương thu gọn đầu mối của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể trong Luật về việc sau khi các Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai được hợp nhất thì cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp, để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Nhận xét rằng, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được phát triển từ Nghị định 02/2019 về phòng thủ dân sự trong bối cảnh các luật quy định về thảm họa, sự cố các lĩnh vực khác nhau đã được Quốc hội ban hành như Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều, Luật Phòng, chống dịch truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy (sửa đổi), ĐB Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị cơ quan thẩm tra cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình dự án luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục rà soát kỹ các nội dung có khả năng trùng lặp, chồng chéo giữa dự thảo Luật Phòng thủ dân sự với các luật chuyên ngành nêu trên.
Cùng mối quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương, các ĐB Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) cùng ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đều đề nghị quy định rõ hơn theo hướng mở rộng nhóm đối tượng này.
ĐB Đoàn Thị Lê An cho biết, khoản 4, điều 2 dự thảo luật đang quy định đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. ĐB đề nghị nghiên cứu nâng độ tuổi phụ nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi lên 36 tháng tuổi. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị bổ sung đối tượng dễ bị tổn thương là người dân sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn để có các biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/da-so-y-kien-ung-ho-thanh-lap-quy-phong-thu-dan-su-post690979.html