Đà tăng của giá dầu
Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) và giá dầu Brent biển Bắc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong hơn 7 năm qua. Đà tăng mạnh của giá dầu được dự báo tiếp diễn trong năm 2022, xuất phát từ tâm lý lạc quan về nhu cầu dầu mỏ tăng, trong khi quan ngại về biến thể Omicron cũng như căng thẳng địa chính trị có phần giảm bớt.
Giá dầu WTI tại châu Á đã lên 85,66 USD/thùng và giá dầu Brent cũng gần chạm 88 USD/thùng và đây là các mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng hơn 10% kể từ đầu năm nay khi các nhà đầu tư tin rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trong bối cảnh thế giới dần trở lại trạng thái bình thường mới và tái mở cửa các nền kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, vụ tấn công do lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen thực hiện nhằm vào nhà máy lọc dầu ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 17/1 cũng phần nào tác động đến giá “vàng đen”, bởi tâm lý lo ngại nguồn cung từ khu vực giàu dầu mỏ này có thể bị gián đoạn.
Giá dầu leo thang trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) nới lỏng dần kế hoạch cắt giảm sản lượng, song nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn vẫn không thể tăng nguồn cung. Trong khi đó, những nước sản xuất dầu mỏ khác lại thận trọng trước việc bơm quá nhiều dầu ra thị trường khi các nước tái áp đặt hạn chế đi lại. Giới phân tích dự báo, sau khi tăng 50% vào năm 2021, giá dầu thế giới có thể tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, có thể tới 90 USD/thùng, thậm chí vượt mốc 100 USD/thùng, do năng lực sản xuất hạn chế và đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ sụt giảm. Dù biến thể Omicron lây lan mạnh trên thế giới, nhưng giới chuyên gia nhận định rằng, nhiều chính phủ vẫn chưa sẵn sàng khôi phục các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vốn ảnh hưởng mạnh tới kinh tế toàn cầu và điều này tác động tới sự đi lên của giá dầu.
Chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA cho rằng, trong trường hợp kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, không suy giảm mạnh, biến thể Omicron không gây ra nhiều tác động bất lợi và OPEC không tăng mạnh sản lượng, thì giá dầu Brent hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I/2022, thậm chí có thể sớm hơn. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo, với triển vọng dự trữ dầu bị thu hẹp, công suất dự phòng thấp vào nửa cuối năm 2022, cùng các khoản đầu tư vào lĩnh vực dầu khí khá hạn chế, thị trường dầu mỏ có nguy cơ rơi vào tình trạng cung không đủ cầu và giá dầu Brent sẽ đạt 90 USD/thùng trong quý III năm nay.
Theo các nhà phân tích, giá dầu có thể tăng thêm 30 USD/thùng sau khi Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và hãng Bloomberg hạ dự báo sản lượng dầu mỏ của OPEC trong năm 2022, lần lượt giảm 0,8 triệu thùng/ngày và 1,2 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia để ngỏ khả năng giá dầu mỏ có thể lên tới 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD/thùng trong năm tới. Chuyên gia phân tích cấp cao của Công ty Rystad Energy nhấn mạnh, nếu OPEC tiếp tục chính sách dầu mỏ hiện nay và muốn siết chặt thị trường, giá dầu thế giới có thể chạm mốc 100 USD/thùng. Dù vậy, kịch bản này nhiều khả năng không xảy ra và giá dầu thế giới có thể ở mức hơn 90 USD/thùng trong năm nay. Áp lực giá dầu cũng sẽ giảm bớt khi một số nước như Canada, Na Uy, Brazil và Guyana tăng sản lượng.
Vượt qua sự gián đoạn ngắn hạn do biến thể Omicron, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 được dự báo duy trì ở mức mạnh mẽ. OPEC dự đoán mức tăng về nhu cầu dầu mỏ không thay đổi so với mức dự báo trước đó là 4,2 triệu thùng/ngày và tổng tiêu thụ dầu dự kiến 100,8 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Sự ổn định của giá dầu còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Giới khoa học cho rằng, nhiều khả năng Omicron gây bệnh nhẹ hơn và điều này mang lại sự lạc quan cho quá trình hồi phục kinh tế trong năm 2022, qua đó thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Song, OPEC vẫn cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu, tác động mạnh tới thị trường “vàng đen”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/da-tang-cua-gia-dau-682998/