Đà tăng giá kéo dài 2 năm của cổ phiếu ngành dầu khí Mỹ khựng lại
Giá dầu thô liên tục giảm và lo ngại về suy thoái kinh tế khiến đợt tăng giá kéo dài hai năm qua của cổ phiếu ngành dầu khí Mỹ khựng lại. Giới đầu tư vẫn bán tháo cổ phiếu của ngành này dù các 'ông lớn' dầu khí của Mỹ ghi nhận một quí mạnh mẽ khác về dòng tiền.
Nhóm ngành năng lượng trong chỉ số S&P 500, bao gồm cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí, có hiệu suất tăng giá tốt nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2021 và 2022. Cổ phiếu của nhóm ngành này tăng giá hơn 50% vào năm ngoái khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đẩy giá dầu thô lên cao. Các nhà sản xuất dầu khí đã sử dụng vận may bất ngờ để củng cố bảng cân đối kế toán và tăng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Tuy nhiên, chỉ số giá cổ phiếu của nhóm ngành năng lượng trong S&P 500 giảm 5% kể từ đầu năm so với mức tăng 8% của thị trường rộng lớn hơn và mức tăng 24% trong lĩnh vực công nghệ.
Matt Portillo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của hãng tư vấn TPH&Co, cho rằng giới đầu tư đang chuẩn bị ứng phó suy thoái kinh tế. Ông nhận định lo lắng về bối cảnh vĩ mô yếu kém có thể khiến giá dầu thô tiếp tục giảm.
“Tình hình vĩ mô không tạo nhiều niềm tin vào dòng tiền của ngành dầu khí trong tương lai gần”, ông nói.
Giá dầu thô Tây Texas của Mỹ ở mức 71,34 đô la/thùng hôm 5-5, cao hơn nhiều so với mức giá trung bình trong dài hạn nhưng đã giảm 7% trong năm nay khi bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ làm chao đảo thị trường.
Giới đầu tư vẫn bán tháo cổ phiếu dầu khí trên sàn chứng khoán Mỹ bất chấp các công ty trong ngành này báo cáo kết quả kinh doanh quí 1 tiếp tục khả quan, với dòng tiền và các khoản chi trả cổ tức ổn định.
“Những công ty này có giá cổ phiếu cao khi họ thua lỗ. Nhưng bây giờ, họ đang kiếm bộn tiền nhưng không được giới đầu tư đánh giá cao”, Trisha Curtis, CEO của hãng tư vấn PetroNerds, nói.
Một số nhà đầu tư cho biết các công ty dầu đá phiến của Mỹ đang chịu hậu quả của đợt tăng giá cổ phiếu kéo dài hai năm khi các nhà khai thác dầu đá phiến lớn như Devon Energy và Pioneer Natural Resources bắt đầu thực hiện chính sách trả cổ tức linh động, bao gồm cổ tức cơ bản cố định và khoản cổ tức trả thêm tùy thuộc vào dòng tiền.
Mark Viviano, nhà quản lý danh mục đầu tư của Kimmeridge, nhận định giá dầu thô giảm trong năm nay khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng cắt giảm cổ tức của các công ty trong ngành này.
Devon Energy là nhà sản xuất đá phiến đầu tiên ở Mỹ giới thiệu chính sách cổ tức linh động vào năm 2021 khi giá cổ phiếu của công ty này tăng gần gấp đôi và trở thành cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong chỉ số S&P 500. Kể từ khi bắt đầu cắt giảm phần cổ tức trả thêm vào tháng 11, cổ phiếu của Devon Energy đã mất gần 40% giá trị.
Matt Portillo cho biết các điều kiện hoạt động yếu hơn, gồm lạm phát cao trong chi phí dịch vụ mỏ dầu và năng suất giảm, cũng đang gây áp lực lên các công ty dầu khí khi giá dầu thô giảm.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), ngay cả ở vùng bồn chảo giàu dầu mỏ Permian nằm giữa bang Texas và bang New Mexico, sản lượng từ mỗi giếng dầu mới giảm gần 30% trong hai năm qua.
Các nhà phân tích cho rằng phong trào môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng tiếp tục ảnh hưởng đến quan điểm của Phố Wall đối với các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch và giá trị lâu dài của họ. Chính phủ Mỹ đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
“Thị trường và các nhà đầu tư vẫn chưa yên tâm với ngành dầu khí”, Curtis nói.
Các nhà phân tích khác cho rằng thái độ hoài nghi của các thị trường vốn sẽ tiếp tục ngăn cản các công ty chi tiêu để thăm dò và phát triển các mỏ dầu mới. Điều đó có thể làm tăng giá dầu trong thời gian tới khi nguồn cung thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu tăng nhanh, củng cố cho luận điểm về “siêu chu kỳ”, tức một đợt tăng giá dầu kéo dài nhiều năm.
Trong báo cáo hồi tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, sản lượng dầu toàn cầu trong năm 2023 sẽ tăng chậm hơn nhiều so với nhu cầu, dự kiến đạt mức cao kỷ lục cuối năm nay.
Nhưng các nhà phân tích cho biết giới đầu tư cổ phiếu hiện quan tâm nhiều hơn đối với các dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Mỹ, nơi tiêu thụ dầu diesel, thường là chỉ báo hàng đầu về hoạt động công nghiệp, giảm 20% kể từ tháng 2 năm ngoái, theo EIA.
Giới phân tích lập luận chỉ khi những đám mây bao phủ nền kinh tế lớn nhất thế giới tan biến và thị trường dầu mỏ toàn cầu bắt đầu thắt chặt, cổ phiếu năng lượng mới được ưa chuộng trở lại.
“Chúng ta cần vượt qua nỗi lo suy thoái vào tuần tới, tháng tới hoặc bất cứ khi nào. Và sau đó, tồn kho dầu mỏ toàn cầu cần phải giảm xuống”, Christyan Malek, trưởng bộ phận chiến lược năng lượng toàn cầu của ngân hàng JPMorgan nói khi đề cập đến các điều kiện để cổ phiếu năng lượng thăng hoa trở lại.
Theo Financial Times