Đạ Tẻh: Hỗ trợ dân chuyển đổi vườn điều già cỗi và vườn tạp
Đạ Tẻh đã lên kế hoạch chi 3,6 tỷ đồng từ ngân sách trong năm nay để hỗ trợ người dân chuyển đổi 471 ha vườn điều già cỗi, vườn tạp hiệu quả thấp sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều loại cây được khuyến khích trồng
“Lần đầu tiên trong năm nay chúng tôi thực hiện việc chuyển đổi cây trồng cho cả vườn tạp, trước đây huyện chỉ thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi cho các diện tích vườn điều già cỗi” - ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết.
Trong tổng diện tích 471 ha huyện Đạ Tẻh lên kế hoạch hỗ trợ dân chuyển đổi cây trồng năm nay, có 325 ha điều hiệu quả thấp và 146 ha vườn tạp.
Mục tiêu của hỗ trợ nhắm đến là đẩy mạnh chuyển đổi diện tích vườn điều và vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thị trường tiêu thụ ổn định; đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển cây trồng chủ lực, hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân trong huyện.
Thế nào là một vườn điều, vườn tạp hiệu quả thấp được xác định là những khu vườn có giá trị thu hoạch dưới 50 triệu đồng/ha/năm. Để được hỗ trợ chuyển đổi, diện tích đang canh tác này phải là đất nông nghiệp hợp pháp, sử dụng ổn định của gia đình, không áp dụng đối với diện tích đất chuyên trồng lúa, đất quy hoạch lâm nghiệp. “Các hộ dân cần có đơn đăng ký chuyển đổi cây trồng, được UBND các xã, thị trấn xác nhận phù hợp với kế hoạch phát triển nông nghiệp ở địa phương” - ông Tiện cho biết.
Nhiều loại cây được huyện khuyến khích chuyển đổi sang canh tác trong đợt này đó là dâu tằm, tre tầm vông, cao su, các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế hiện nay như sầu riêng, bưởi da xanh, mắc ca, bơ, mít, cam, quít… “Các cây trồng chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch phát triển vùng huyện; với cây ăn trái khuyến cáo người dân trồng ở khu vực có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp, tầng đất canh tác dày. Riêng với các loại cây trồng mới đưa vào sản xuất, cần có ý kiến thống nhất của ngành chức năng huyện” - ông Tiện cho hay.
Trong chuyển đổi, Đạ Tẻh đưa ra định mức hỗ trợ rất cụ thể. Khi chọn chuyển đổi dâu tằm, huyện sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; với cây ăn trái và các loại cây trồng khác, huyện hỗ trợ 6 triệu đồng/ha; cây cao su, tre tầm vông, tre lấy măng có mức hỗ trợ cao hơn, đến 8 triệu đồng/ha. Huyện cũng có chính sách khuyến khích các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia chuyển đổi cây trồng, trồng dâu tằm được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha; còn các hộ nếu chịu khó đầu tư thêm công nghệ, như lắp đặt hệ thống tưới phun sương hay tưới nhỏ giọt chẳng hạn sẽ được hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/ha nữa.
Để tạo sự chủ động trong chuyển đổi cây trồng, theo ông Tiện, người dân được toàn quyền quyết định việc canh tác loại cây gì trên đất nhà mình, từ làm đất, chọn lựa cây giống, vật tư nông nghiệp, dụng cụ, thiết bị... Chính quyền xã, thị trấn sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện kiểm tra, nghiệm thu, lập hồ sơ sau khi người dân hoàn tất việc chuyển đổi để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.
Hình thành các diện tích chuyên canh
Là một địa phương có diện tích điều lớn trong tỉnh Lâm Đồng, theo Phòng Nông nghiệp huyện, hiện Đạ Tẻh có khoảng 6.800 ha điều, cả trên đất nông nghiệp lẫn đất lâm nghiệp. Nhiều diện tích trong số này là điều trồng đã lâu, già cỗi, năng suất thấp. Những năm gần đây, huyện đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích điều già cỗi này sang canh tác các loại cây trồng khác có hiệu quả về mặt kinh tế hơn. “Đến nay toàn huyện đã chuyển đổi khoảng 3.200 ha, tuy nhiên cũng có những diện tích khó hoặc không thể chuyển đổi vẫn duy trì cây điều, đó là các vùng đồi cao, thiếu nước” - ông Tiện cho biết thêm.
Mục tiêu của Đạ Tẻh, theo Phòng Nông nghiệp, sắp đến sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm từ 1.000 - 1.200 ha diện tích điều cùng các vườn tạp kém hiệu quả.
Một trong những cây trồng chuyển đổi đang phát huy hiệu quả rất tốt tại Đạ Tẻh, theo ông Tiện, chính là cây dâu tằm. Cho đến nay huyện đã có khoảng 1.700 ha dâu tằm, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh tác động như hiện nay nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm trong dân vẫn cho thu nhập rất ổn định nhờ kén được giá.
Một cây trồng khác cũng mang đến sự ổn định cho người dân, đó là cây cao su. Hiện trong huyện đã có trên 1.000 ha cao su, hầu hết là cao su tiểu điền. Dù giá cao su hiện không cao nhưng thu nhập vẫn tốt hơn so với trồng điều nên đây là loại cây được huyện khuyến khích người dân trồng trong chuyển đổi.
Tre tầm vông cũng là một loại cây trồng phát huy được giá trị khi trong huyện Đạ Tẻh hiện nay đã có từ 50 - 60 ha, trong đó trồng nhiều nhất là tại 2 xã An Nhơn và Đạ Lây. Dễ trồng, dễ chăm sóc nên theo ông Tiện, bình quân mỗi ha tầm vông cũng thu được từ 90 - 110 triệu đồng/ha/năm, tùy theo thời điểm.
Trong khi đó, các diện tích vườn tạp trong huyện cũng đang được người dân chuyển đổi rất nhanh gần đây. Nhiều loại cây có giá trị được người dân chọn nhiều hiện nay là bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, Măc ca... Theo ông Phạm Xuân Tiện: “Chắc thời gian đến chúng tôi sẽ khuyến khích và tập trung nhiều hơn cho việc chuyển đổi các vườn tạp này”.
Riêng trong năm nay, để thực hiện kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, huyện đang yêu cầu các xã, thị trấn khảo sát, nắm chắc diện tích, khu vực đang trồng cây điều, diện tích vườn tạp kém hiệu quả ở từng địa bàn thôn, tổ dân phố để vận động dân; định hướng chuyển đổi cây trồng ở từng khu vực phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung liền vùng, liền thửa, hạn chế tối đa việc chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún.
“Chúng tôi đang phối hợp với xã, thị trấn, các đoàn thể cùng vận động dân, chính sách hỗ trợ được phổ biến công khai, rộng rãi, dân chủ ngay từ các thôn, tổ dân phố, đảm bảo tất cả các hộ nông dân đều biết để tham gia chương trình này khi có nhu cầu” - ông Tiện khẳng định.