Đạ Tẻh mùa quả ngọt

Đất 'vùng III' gian khó một thời, những ngày giao hoan giữa năm cũ và năm mới, mơn man nắng dịu, chộn rộn sắc màu. Đạ Tẻh tươi mới, dâng hiến hương vị, đong đưa mùa quả ngọt...

Nông trang cây ăn trái rộng 35 ha

Nông trang cây ăn trái rộng 35 ha

Cây ăn trái vững chỗ

Điện thoại trao đổi với Chủ tịch UBND huyện, anh Tống Giang Nam từ cơ sở giới thiệu tôi làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trưởng phòng Phạm Xuân Tiện hân hoan đưa tôi nhiều thông tin sốt dẻo. Năm 2020, toàn huyện gieo trồng hơn 24.647 hecta, tăng 1,6% so với năm 2019. Riêng cây ăn trái có hơn 1.889 hecta; trong đó, cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng là 960 hecta, bưởi da xanh 333 hecta, mít Thái 65 hecta và bơ 120 hecta. Nhà nông Đạ Tẻh bước ra từ nhiều năm dầm mưa dãi nắng để tìm câu trả lời đâu là “địa lợi thiên thời”. Ba vòng đất bảy vòng trời, nay họ định hình được những mô hình sản xuất phù hợp, đó là trồng cây ăn trái và ứng dụng tiến bộ “thay trời làm mưa”. Nhân tạo hơn thiên tạo, bắt đầu và kết thúc bằng bảng giá trị liên hoàn: chuyên canh, quảng canh, xuống giống chất lượng, hệ thống tưới nước và tưới thức ăn cho cây tự động, chăm sóc sức khỏe cho cây bằng biện pháp tổng hợp... Địa bàn huyện đã có 5 hecta sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng tự động smartphone. Doanh thu từ mô hình này từ 800 triệu đồng nay đã đạt một tỷ đồng mỗi hecta/năm…

Nông dân trẻ Nguyễn Thái Sơn với giống quýt đường

Nông dân trẻ Nguyễn Thái Sơn với giống quýt đường

Thơm ngọt quanh năm

Một địa chỉ sản xuất cây ăn trái đạt thu nhập vào hàng nhất huyện Đạ Tẻh, nhưng năm lần bảy lượt trong nhiều tháng tôi mới trực tiếp gặp được chủ hộ. Đó là anh Nguyễn Trung Hưng, 43 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi, nhà ở thị trấn Đạ Tẻh nhưng tối ngày chủ yếu bám vườn tại Đạ Lây, huyện Cát Tiên và…rong ruổi. Anh Hoàng Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện hẹn hò kỹ lưỡng, chúng tôi mới giữ được chân ông chủ Hưng tại vườn. Khi chúng tôi có mặt, vợ chồng đang tiếp đoàn khách hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa lên.

Vợ chồng anh Hưng chị Hà hiện có 12 hecta sầu riêng hạt lép với 1.600 gốc và 12 hecta bưởi da xanh, không hạt, ruột đỏ, với 1.900 gốc. Sau 8 năm tạo lập, vùng bãi bồi ven sông Đồng Nai này được phủ một màu xanh với cơ man trái. Trên một cây, bưởi nhiều thế hệ, to nhỏ các kích thước. Đó là cái tài của anh Hưng để có quả thu hoạch quanh năm. Kinh nghiệm này anh phát huy với cây sầu riêng. Anh tất tả nói: “Các anh qua chỗ này, em chỉ cho cây sầu riêng”. Dưới tia nắng xiên qua xum xuê cành lá, Hưng nâng mấy quả sầu riêng to sụ bên những quả nhỏ. Quả lớn nhất chừng bốn, năm kg, tròn múp, không vẹo vọ, gai to, múi đầy thịt là chắc. Sầu riêng chính vụ 30-50 ngàn đồng/kg, nhưng trái vụ, lại áp Tết, giá lên 120 ngàn. Mỗi năm vườn vợ chồng Hưng Hà thu hoạch 50 đến 60 tấn bưởi da xanh và 30 đến 40 tấn sầu riêng, vẫn không đáp ứng đủ cho khách mua. Khiêm tốn cũng có tổng doanh thu sau chi phí 3,1 tỷ đồng. 20 lao động mỗi tháng nhận lương trung bình 6-8 triệu đồng/người. Thực hiện đầy đủ các khoản thuế, gia đình anh Hưng còn giúp đỡ 7 hộ 180 triệu đồng mua bò, mua cây giống, đầu tư vào sản xuất; mua 150 tấn phân tro, 600 tấn phân hóa học đầu tư cho 16 hộ theo hình thức trả chậm. Riêng vườn của gia đình anh đến nay có tổng mức đầu tư khoảng 11 đến 12 tỷ đồng.

Mời chúng tôi múi bưởi không hạt, tép xếp lớp mọng đỏ, anh Hưng chia sẻ: Thời gian đầu, anh phải xác định chất đất có phù hợp trồng các loại cây này không bằng cách đưa mẫu đất đi phân tích. Sau đó xuống Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre tham dự các lớp tập huấn trồng và chăm sóc sầu riêng. Khi đủ tự tin mới mạnh dạn xuống Bến Tre lựa mua cây giống chuẩn nhất mang về trồng, giống CT Dona Techno 170.000đ/cây. “Bưởi da xanh cũng vậy, em xuống trực tiếp Tân Uyên, Bình Dương gặp ông Sáu Xê, người nổi tiếng trồng bưởi da xanh, để xin học kinh nghiệm và mua trực tiếp phân bón chuẩn nhất của Sáu Xê về bón cho bưởi chứ không mua phân trôi nổi ngoài thị trường tự do”, Hưng nói. Những kinh nghiệm làm kinh tế vườn được anh Hưng chia sẻ đến nhiều hộ dân người Kinh và người dân tộc thiểu số. Gia đình Hưng-Hà 5 năm liền là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, cá nhân Nguyễn Trung Hưng là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”…

Bưởi da xanh thu hoạch quanh năm.

Bưởi da xanh thu hoạch quanh năm.

Hướng đến trái sạch

-“Đi phân đi thuốc phải chuẩn, đúng chu kỳ, không xịt tầm bậy để có trái bưởi vừa sạch vừa ngọt, mọng nước và quả không sượng mới là khó”, anh Hưng nói. Vấn đề nữa là “chuỗi”, khái niệm đang thường trực quan tâm của ngành sản xuất. Huyện Đạ Tẻh đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, trong đó có hai hợp tác xã về cây ăn trái. Thành công nhất là “Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trái cây Mỹ Đức” tại xã Mỹ Đức. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc là Phạm Văn Xã, sinh năm 1970, dân gốc tỉnh Hà Tây cũ. Năm 1984, cùng mấy người vào lập nghiệp, cuối cùng chỉ còn anh trụ lại đất này, mọi người hồi hương. Gần 19 năm trồng sầu riêng ở Đạ Tẻh, sản lượng ngày càng lớn, năm 2018 anh thành lập HTX. Hiện HTX có hơn 42 hecta sầu riêng và bưởi; trong đó 12,2 hecta sầu riêng đã cho thu hoạch, sản lượng 100 tấn/vụ và 3 hecta bưởi da xanh cho trên 40 tấn cả năm. Riêng gia đình Chủ tịch Phạm Văn Xã, tích tụ 40 hecta đất, trên đó đã trồng 10 hecta sầu riêng và bưởi, gồm 1.500 cây sầu riêng (thu hoạch 350 cây/40 tấn/năm) và 500 cây bưởi thu hoạch trên 40 tấn/năm. Giám đốc Phạm Văn Xã đưa tôi tập hồ sơ gồm các Phiếu kết quả thử nghiệm, Giấy chứng nhận VietGAP và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, anh xởi lởi với niềm tự hào: “Chất lượng trái cây của chúng em rất tốt, được kiểm định rồi. Chúng em cũng đã gửi bưởi và sầu riêng thi sản phẩm OCOP năm 2020 rồi. Tôi khẳng định trái cây của HTX vào siêu thị vô tư. Tới đây chúng em sẽ tham gia hội chợ để tìm đối tác ký”. Niềm vui của người “nông dân điển hình, có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất yêu nước” từng nhận bằng khen của cụm 10 tỉnh Tây Nguyên - miền Trung và UBND tỉnh Lâm Đồng cứ dào lên chân chất...

Tôi còn tìm đến một thanh niên 20 tuổi, bỏ nghề y để làm nông dân thế hệ @, đó là Nguyễn Thái Sơn. Nông trang cây ăn trái tuy mới hình thành 2017 nhưng diện tích rộng tới 35 hecta. Trên đó đã trồng hơn 15 hecta quýt đường, 15 hecta sầu riêng và 4 hecta bưởi cùng một ít bơ... Mùa thu bói khoảng 50 tấn quýt và năm nay dự kiến đạt 100 tấn. Được hậu thuẫn của gia đình, Sơn rất đam mê. Ấn tượng nhất là Sơn dẫn tôi một vòng vườn bằng xe máy để mục sở thị sự đầu tư bài bản rất lớn ở đây. Từ hệ thống điện, các hồ chứa nước, hệ thống máy bơm và ống dẫn, hệ thống giao thông nội bộ đến hệ thống tưới tự động điều khiển bằng điện thoại và camera giám sát... Tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. Năm 2020, trái cây đã đăng ký VietGAP. Nguyễn Thái Sơn nói: “Hướng của cháu là trái sạch, dù sản lượng thấp. Không chỉ uy tín với người dùng mà công nhân làm ở đây cũng an toàn. Sản phẩm của cháu đã có mã code, cháu hướng tới các siêu thị và vựa lớn của thị trường…”.

Vĩ thanh

Rời Đạ Tẻh, tôi mang theo dư vị ngọt bưởi da xanh của Nguyễn Trung Hưng cùng lời dạm từ Phạm Văn Xã: “Mai mốt anh về đây, Đạ Tẻh không chỉ có nếp quýt An Nhơn mà còn có bưởi, sầu riêng chúng em nữa”. Xã khẳng khái: Đạ Tẻh không thể loanh quanh ruộng lúa nương dâu, cao su, mà phải là cây ăn trái. Sản lượng và chất lượng đều cao, giá có hạ vẫn thu nhập cao. Tôi hiểu, bởi chính quyền huyện đã vào cuộc bằng sự quan tâm hỗ trợ tích cực thiết thực cho các mô hình nông trại cây ăn trái. Dĩ nhiên người sản xuất vẫn cần huyện tiếp tục giúp đỡ tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố rất quan trọng. Đây vừa là yêu cầu của người ăn trái, cũng là nhu cầu của nhà sản xuất. Phạm Văn Xã nói thêm để vội chia tay tôi: “Anh thấy một ngôi sao chẳng sáng đêm/Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng. Sắp tới gia đình chúng em cả 200 tấn mà không lo đầu ra thì chỉ có chết. Phải hợp sức lại với nhau anh ạ”…

Đạ Tẻh-Đà Lạt, tháng 1 năm 2021

Bút ký: MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202101/da-teh-mua-qua-ngot-3039904/