'Đả thảo kinh xà' và 'Rung cây dọa khỉ'

Độc giả Lê Thanh Lâm (Thọ Xuân, Thanh Hóa) hỏi: 'Xin cho biết xuất xứ của câu thành ngữ 'Đả thảo kinh xà'. Câu này có giống với câu 'Rung cây dọa khỉ' không? Trân trọng cảm ơn'.

Trả lời:

Thành ngữ gốc Hán Đả thảo kinh xà - (Đập cỏ cho rắn sợ), xuất phát từ điển tích như sau:

Đời Đường có viên quan huyện Vương Lỗ hay ăn của đút, tham ô, sách nhiễu dân ghê gớm. Một lần, dân chúng họp nhau làm một lá đơn kiện một tên thuộc hạ của Vương Lỗ. Vương Lỗ xem thì thấy trong đơn kiện liệt kê rất nhiều tội trạng, tất cả đều không khác gì tội của mình, nên vừa xem vừa run rẩy, rồi buột miệng nói “Cái này... cái này... chẳng phải là đang nói về ta hay sao?”.

Họ Vương càng xem đơn càng kinh sợ, không còn biết phải phê thế nào cho đúng. Tự dưng ông ta viết ra trên giấy tám chữ “Nhữ tuy đả thảo, ngô dĩ xà kinh" - nghĩa là Tuy ngươi đập cỏ, nhưng ta lại hoảng sợ như con rắn nằm trong đám cỏ.

Đập cỏ nhưng rắn phải sợ, vì nếu đập trúng thì xem như rắn không dập đầu thì cũng gãy xương sống! Về sau, thành ngữ này được dùng với nhiều nghĩa:

1. Trừng phạt người này, để cảnh cáo kẻ khác. Nghĩa này tương tự như câu “Sát kê hách hầu” (Giết gà để dọa khỉ).

2. Hành động thiếu thận trọng, sơ hở, khiến đối phương đào thoát.

3. Chưa đủ sức để diệt trừ được kẻ ác đã nôn nóng, lớn tiếng, khiến kẻ ác được phòng bị và quay trở lại làm hại chính mình. Về ý này dân gian cho rằng giống rắn độc hay trả thù. Đánh rắn mà không chết, nó sẽ quay lại báo thù, hậu họa khôn lường. Thế nên có câu “Đả xà bất tử, hậu hoạn vô tận".

4. Biết kẻ ác đang ẩn nấp đâu đó, nhưng không đủ sức diệt trừ, nên đánh động để đối phương biết mà chuồn đi. Kế này hay được áp dụng trong thực tế khi phải lội vào đám cỏ cây rậm rạp, người ta thường xua đập, tạo ra tiếng động lớn, để nếu có rắn trú ẩn, thì chúng sẽ trườn đi.

Với thành ngữ “Rung cây dọa khỉ”. Về nghĩa đen, khỉ là loài leo trèo rất giỏi. Bởi vậy, nếu chỉ đứng dưới đất mà rung cây để dọa chúng thì chẳng nghĩa lí gì. Lũ khỉ sẽ vẫn ung dung trên cây, hoặc cùng lắm thì chuyền cành, di chuyển sang cây khác. Từ nghĩa đen này, câu thành ngữ ví với trường hợp dọa dẫm không phải lối; đưa ra một ngón đòn vô ích, không có tác dụng với đối phương.

Như vậy, “Đả thảo kinh xà” và “Rung cây dọa khỉ” tuy cùng có ý là làm rung chuyển cái A để tác động đến cái B, nhưng kết quả đưa lại là khác nhau: rắn sợ, trong khi khỉ bình yên vô sự. Bởi thế, nghĩa bóng của hai câu này hoàn toàn khác nhau.

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/da-thao-kinh-xa-va-nbsp-rung-cay-doa-khi-31102.htm