Dạ thưa thầy, vì không đi học thêm ạ!
Chính sức ép 'vô hình' về điểm số, tạo áp lực học trò phải đi học thêm.
Cu Tũn đi học về, chân sáo chạy vào chào ông, ghé tai kể ông nghe chuyện bạn Ngọc A. bị điểm thấp.
Sáng nay, thầy toán (thầy dạy môn toán) vào lớp, hớn hở, tươi cười: “Bài kiểm tra toán 15 phút hôm trước, thầy đã chấm xong, nhìn chung kết quả tốt.
Thầy buồn, có một số em, năm ngoái học rất tốt, vậy mà sang năm nay, kết quả thấp quá; các em cần cố gắng lên.
Thầy mời lớp phó học tập lên nhận bài, phát cho các bạn”.
Lớp phó phát bài cho các bạn, có tiếng khóc nghẹn của Ngọc A. nơi cuối lớp.
Cả lớp đều dồn ánh mắt về phía Ngọc A., lạ quá nhỉ, Ngọc A. là học sinh giỏi toàn diện mà!
Thấy vậy, thầy ôn tồn hỏi Ngọc A. “Sao vậy Ngọc A.?”.
Ngọc A. đứng dậy, lễ phép thưa “Dạ, em xin lỗi thầy, không sao ạ”.
Thầy lại nói tiếp “Chắc em bị điểm thấp, phải không? Kiểm tra lại, xem thầy có chấm sai không? Nếu sai, đưa lên, thầy sửa điểm”.
Ngọc A. đứng dậy, lễ phép thưa “Dạ, thầy chấm không sai ạ”.
Thầy lại hỏi tiếp “Lớp trưởng có biết tại sao Ngọc A. điểm thấp không?”.
Lớp trưởng đứng lên trả lời “Dạ thưa thầy, vì … không đi học thêm ạ”!
Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), ghi rõ có 2 loại kiểm tra để đánh giá, xếp loại học lực học sinh.
Kiểm tra thường xuyên bao gồm:
- Kiểm tra miệng (kiểm tra bằng hỏi-đáp), kiểm tra viết 15 phút.
- Kiểm tra định kỳ bao gồm kiểm tra viết 1 tiết, kiểm tra học kỳ.
Việc kiểm tra 15 phút thường do giáo viên dạy bộ môn ra đề, kiểm tra khi nào … tùy thầy cô.
Đây chính là “lỗ hổng” cho những giáo viên “dạy thêm không trong sáng” khai thác, vận dụng.
Giáo viên ngày mai kiểm tra cái gì, chiều nay đã ra bài tương tự, cho “gà” mình làm đi, làm lại; học trò đi học thêm biết trước, đạt điểm cao; học trò không đi học thêm thì ngược lại.
Chính sức ép “vô hình” về điểm số, tạo áp lực học trò phải đi học thêm.
Dần dần, tạo thói quen ỷ lại, ăn sẵn cho học trò, điểm cao chỉ là “điểm ảo”; học sinh và cả phụ huynh cũng “ảo tưởng” về năng lực học tập của con.
Một số học sinh làm bài do giáo viên bộ môn ra đề, điểm cao; thế nhưng khi làm đề kiểm tra chung, do người khác ra đề, điểm thấp.
Nên quản lý kiểm tra 15 phút như thế nào?
Kiểm tra miệng, cái roi lùa học sinh đến lớp học thêm
Một số trường đã tiến hành quy định, thời điểm kiểm tra 15 phút vào phân phối chương trình.
Nội dung đề kiểm tra cũng phải có ma trận, đáp án; đề do tổ chuyên môn duyệt, in, phát hành, lưu trữ; có một số trường, đề lấy trong “ngân hàng đề” của trường.
Học sinh được biết trước thời điểm kiểm tra, giống như kiểm tra 1 tiết.
Làm như thế, nhà trường quản lý được nội dung đề, đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng; tránh được áp lực cho học sinh, khi giáo viên ra đề quá khó; dùng đề kiểm tra “lùa” học sinh đi học thêm.
Học thêm, có thể điểm cao vì “trúng đề”, kiến thức rất mau quên. Cách học tốt nhất là tự học, khắc sâu kiến thức, sáng tạo; phần lớn học trò có điểm thi cao, thường là tự học.
Vì vậy, cha mẹ đừng quá chạy theo điểm số, hãy tạo điều kiện cho con được học và được chơi; thay vì cắm đầu tối ngày vào lớp học thêm.