Đã tiêm vaccine Sinovac, hàng trăm y bác sĩ Indonesia vẫn mắc Covid-19
Hơn 350 y bác sĩ ở quận Kudus, Indonesia vẫn nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vaccine. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm của các biến chủng mới.
Phần lớn trong số 350 nhân viên y tế trên không có triệu chứng và đã cách ly tại nhà, nhưng hàng chục người phải nhập viện vì sốt cao và nồng độ oxy trong máu giảm, Reuters hôm 17/6 dẫn lời Badai Ismoyo, giám đốc phòng y tế quận Kudus, đảo Java, cho biết.
Với khoảng 5.000 nhân viên y tế, quận Kudus đang phải chống chọi đợt bùng dịch được cho là xuất phát từ biến chủng Delta. Biến chủng này xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ và có mức độ lây nhiễm cao hơn. Hơn 90% giường bệnh tại Kudus đều có bệnh nhân.
Nhân viên y tế của Indonesia nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm chủng khi chương trình chích ngừa của nước này được khởi động vào tháng 1.
Hầu hết 350 người trên đều được tiêm chủng vaccine do hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac sản xuất, Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI) cho biết.
Vaccine Sinovac được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào tháng 6. Theo WHO, kết quả thử nghiệm cho thấy Sinovac ngăn chặn được việc mắc bệnh có triệu chứng trên 51% người thử nghiệm, đồng thời còn giúp bệnh nhân Covid-19 không chuyển biến nặng và nhập viện trên mọi đối tượng nghiên cứu.
Số nhân viên y tế tử vong vì Covid-19 tại Indonesia đã giảm khoảng 12 lần xuống còn 13 người trong tháng 5, theo nhóm sáng kiến dữ liệu LaporCovid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng bày tỏ lo ngại trước những ca nhập viện ở Java.
“Dữ liệu cho thấy nhóm (ở Kudus) có biến chủng Delta nên không ngạc nhiên gì khi số ca mắc mới dù đã tiêm chủng tăng cao hơn trước vì đại đa số nhân viên y tế ở Indonesia tiêm Sinovac. Chúng ta chưa biết độ hiệu quả trong thực tiễn của Sinovac trước biến chủng Delta”, Dicky Budiman, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Grifith (Australia), cho biết.
Đến nay, Indonesia có hơn 1,9 triệu ca nhiễm Covid-19, với hơn 53.000 ca tử vong. 946 y bác sĩ của nước này đã chết vì virus corona. Trong một tuần trở lại, số ca nhiễm mới ở nước này trung bình là 8.600 ca mỗi ngày.
Nhiều người dân Indonesia đang gặp tâm lý chán nản trước đại dịch và bắt đầu buông lỏng các quy định phòng dịch sau khi được tiêm chủng, theo Lenny Ekawati, thuộc LaporCovid-19.
“Hiện tượng này khá phổ biến vào lúc này, không chỉ ở trong cộng đồng mà còn trong các bác nhân viên y tế. Họ nghĩ rằng mình an toàn vì đã tiêm vaccine”, bà Ekawati nói.
Tiến sĩ Matthew Moore, Giám đốc chương trình An ninh Sức khỏe Toàn cầu thuộc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), cho rằng việc nhân viên y tế đã tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh không phải nguyên nhân để nghi ngờ chương trình tiêm chủng.
"Các loại vaccine Covid-19 được thiết kế nhằm ngăn ngừa mắc bệnh nặng và tử vong", ông nói với Zing hôm 16/6. "Khi bắt đầu phát triển các loại vaccine này, chúng tôi không chắc liệu vaccine có giúp ngăn ngừa mắc bệnh (dù không có triệu chứng) hay không, hay ngăn ngừa lây truyền virus hay không. Các thông tin ban đầu cho thấy vaccine cũng giúp ngăn ngừa (các tình trạng này)".