Đã tìm thấy hai phi công trong vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định
Cả hai phi công trong vụ rơi máy bay quân sự Yak-130 (số hiệu 210 D) đều được tìm thấy trong tình trạng sức khỏe ổn định và được lực lượng cứu hộ đưa xuống núi.
Theo thông tin trên Cổng TTĐT Chính phủ, ngay trong đêm 6/11, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận được phi công là Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 940, phi công trong vụ máy bay quân sự rơi tại Bình Định vào lúc 22h30. Lực lượng này cũng đã tiếp cận được vị trí của phi công còn lại là Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay.
Như vậy, cả hai phi công trong vụ rơi máy bay quân sự Yak-130 (số hiệu 210 D) đã được tìm thấy. Tình hình sức khỏe của cả hai phi công ổn định và đang được chăm sóc tại Bệnh viện Quân y 13, Quân khu 5.
Trước đó, sáng 6/11 Trung đoàn Không quân 940, Trường sĩ quan không quân, Quân chủng Phòng không Không quân tổ chức ban bay huấn luyện ngày tại sân bay Phù Cát, với máy bay Yak-130 (số hiệu 210 D), bay bài 208, bay đường dài - không vực - xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp.
Máy bay do Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng, bay buồng trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, bay buồng sau. Đây là chuyến bay đợt 3, là chuyến thứ 2 của phi công buồng trước trong ban bay ngày.
Máy bay cất cánh lúc 9h55, đến 10h38 khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được.
Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù, hai phi công là Đại tá Nguyễn Văn Sơn và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã nhảy dù lúc 10h51 tại khu vực Trường bắn TB2, Tây Sơn, Bình Định.
Từ chiều, tối và trong đêm 6/11, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn 940 và Quân khu 5 cùng các lực lượng tại chỗ đã hành quân vào rừng tìm hai phi công trong vụ rơi máy bay trên.
Bộ phận kỹ thuật của Viettel Bình Định đã kiểm tra lịch sử hoạt động thuê bao của hai phi công, sau đó tiến hành khoanh vùng, xác định khu vực khả năng cao nơi họ đã nhảy dù, điều chỉnh góc anten để mở rộng vùng phủ sóng lên gấp 5 - 7 lần, đưa mạng 4G phủ tới khu vực đồi núi để các phi công có thể liên lạc, từ đó xác định vị trí.