Đã tìm thấy thi thể Bí thư Đảng ủy xã bị lũ cuốn trôi do mưa lớn ở Huế
Chiều 3/12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Công Mẫn đã xác nhận, nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi do mưa lớn hôm qua (2/12) tại cầu Khe Thị, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc là Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phan Công Mẫn cho biết, sau gần một ngày đêm nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích, đến sáng 3/12, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi tại khu vực thuộc Tổ dân phố 8, thị trấn Phú Lộc, gần cầu Khe Thị (thị trấn Phú Lộc).
Nạn nhân được xác định là ông Phan Minh Tâm (sinh năm 1982), Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc).
Trước đó, vào khoảng 13 giờ 40 phút chiều 2/12, ông Tâm đi lên thị trấn Phú Lộc để họp. Khi ngang qua khu vực Bầu Lát, gần sông Khe Thị, chảy qua địa bàn xã Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc đã bị lũ dâng cao, cuốn trôi mất tích cùng chiếc xe máy.
Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng gồm Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an huyện phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc tiếp cận hiện trường, tổ chức tìm kiếm người mất tích.
Tuy nhiên, thời điểm gặp nạn do mưa lớn nên tuyến đường ngập sâu kèm theo trời tối khiến công tác tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Đến sáng nay, thi thể ông Tâm mới được tìm thấy, nằm cách hiện trường tai nạn khoảng 100 mét, dạt vào sát bờ ruộng.
Hiện, thi thể nạn nhân đã được cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình để lo hậu sự. Ngay trong ngày, lãnh đạo huyện Phú Lộc và các ban, ngành trong huyện đã đến thăm hỏi, chia sẻ cùng gia đình nạn nhân.
Mưa lớn xảy ra từ sáng hôm qua (2/12) đến hôm nay đã gây ngập nghiêm trọng tại xã Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, làm ngập sâu kéo dài gần 100m trên tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn xã, gây ách tắc giao thông kéo dài nhiều giờ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Trì Cái Trọng Như cho biết, toàn xã có hơn 800 hộ dân bị ngập, nhiều tuyến đường qua các thôn Hòa Mậu, Cao Đôi và một số thôn bị chia cắt do lũ lụt gây ngập sâu khoảng 0,4m; nhiều con đường qua các thôn Hòa Mậu, Cao Đôi, xã Lộc Trì và một số thôn bị chia cắt do lũ lụt.
Trong chiều hôm qua và hôm nay (3/12), hơn 1.200 học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở tại xã Lộc Trì phải nghỉ học do mưa lũ. Toàn xã có hơn 100 hộ dân phải sơ tán tại chỗ.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Lộc cho biết, hiện chính quyền địa phương đang phối hợp lực lượng cứu hộ cứu nạn tích cực tìm kiếm 2 người mất tích (gồm 2 cậu cháu) do bị cuốn trôi vào chiều 2/12 tại tổ dân phố 8 trên địa bàn thị trấn Phú Lộc.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Lộc Trần Văn Nam, vào thời điểm trên, người cậu tên là L.P.B (sinh năm 1989, trú thị trấn Phú Lộc) đến trường đón cháu (đang học lớp 6) đi học về, khi đến đoạn đường liên thôn thuộc tổ dân phố 8 - cách nhà chừng 500m thì bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Khu vực này thường có nước lũ từ vùng núi Bạch Mã đổ về rất mạnh, cũng gần nơi ông Phan Minh Tâm gặp nạn. Tuy nhiên, đến tối và sáng hôm sau, 2 người này vẫn không về nhà, nên gia đình trình báo chính quyền địa phương, yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Lãnh đạo huyện Phú Lộc hiện đang huy động các lực lượng nỗ lực tìm kiếm hai người dân mất tích.
Sẵn sàng ứng phó với mưa lớn
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trong 36 giờ qua, tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa (từ 19 giờ ngày 1/12 đến 7 giờ ngày 3/12) phổ biến 150-300mm, có nơi cao hơn, như: Thủy Yên 753mm, Bạch Mã 720 mm, Truồi 680mm, Nam Đông 400mm.
Dự báo trong ngày và đêm 3/12, trên địa bàn Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến 30-80mm, có nơi trên 100mm.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đặng Văn Hòa cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn, nhiều tuyến đường và một số khu dân cư thấp, trũng tại địa bàn huyện Phú Lộc bị ngập cục bộ, có nguy cơ xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông suối.
Theo ông Đặng Văn Hòa, do ảnh hưởng của mưa lớn lưu vực Bạch Mã, Cầu Hai trong ngày 2/12 đã làm tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì (Phú Lộc) bị ngập cục bộ từ 0,4-0,5m. Các lực lượng đã tổ chức rào chắn cấm đường bảo đảm an toàn giao thông.
Do mưa cường suất lớn đã làm ngập úng cục bộ các tuyến đường dân sinh khu vực các xã Lộc Trì, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Điền và thị trấn Phú Lộc; khu vực thị Trấn Khe Tre huyện Nam Đông.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, trong chiều tối 2/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công điện Số 12/CĐ-PCTT để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Nội dung Công điện Số 12 nêu rõ, trong 15 giờ qua tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa (từ 19 giờ ngày 1/12 đến 16 giờ ngày 2/12) phổ biến 80-150mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã: 533mm, Nam Đông: 319mm, Hương Sơn: 270mm, Hồ Thượng Nhật: 439mm, Rào Trăng 3: 181mm, Bình Tiến: 154mm.
Dự báo diễn biến trong 24 và 48 giờ tới: Từ chiều tối 2/12 đến ngày 3/12 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố Huế; các sở, ban ngành trong tỉnh tổ chức triển khai ngay các nội dung: Tiếp tục triển khai Công văn số 459/PCTT ngày 29/11/2022 của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc cảnh báo, ứng phó với không khí lạnh, gió mạnh trên biển, mưa to diện rộng.
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt tại Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương, các quy trình vận hành đơn hồ đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; thường xuyên thông báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, mực nước, lệnh vận hành hồ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, nhân viên thực hiện vận hành công trình.
Các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị, để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo phân luồng các tuyến đường giao thông bị tắc nghẽn do mưa lớn; cắm biển cảnh báo tại các điểm nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống.
Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; tổ chức trực ban 24/24, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.