Đã từng
Những người đau khổ và cô độc như Dok-go trong cuốn 'Cửa hàng tiện lợi bất tiện', hãy đọc cuốn sách này, để thấy những nỗi đau hôm nay rồi cũng chỉ là thứ đã từng mà thôi!
1. Tôi quyết định mở cuốn “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” ra đọc vì tò mò xem điều gì đã biến tác phẩm này thành cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại tại Hàn Quốc. Và cuốn sách đã không làm tôi thất vọng.
Cuốn sách khởi đầu với việc một cụ bà bị lẫn chực nhớ ra là mình đã đánh rơi cái ví, trong đó có nhiều tiền và quan trọng hơn là cả đống giấy tờ quan trọng. Bỗng cụ nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia nói tìm được số di động của bà trong cái ví mà bà làm mất. Người ấy hẹn bà ở một chỗ gần nơi bà làm rơi để trả lại. Dẫu còn nhiều do dự vì làm gì có ai trên đời tốt đến vậy, cụ bà vẫn quay lại. Trả ví cho bà là một gã ăn mày vô gia cư, người to như con gấu và bị chứng mất trí nhớ. Gã trả lại cái ví nguyên vẹn, không mất một xu nào. Sau này bà mới biết, gã ăn mày ấy đã phải đánh nhau với những gã khác để bảo vệ cái ví trước khi gọi điện cho bà. Một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Câu chuyện khó tin này chỉ là khởi đầu cho những gì diễn ra sau đó. Gã không nhận tiền hậu tạ, chỉ xin một bữa cơm. Cụ bà có một cửa hàng tiện lợi và mang gã ăn mày tới đó, lấy một hộp cơm ngon lành cho gã ăn, còn dặn nhân viên là sau này bất cứ khi nào gã quay lại, hãy cho gã một hộp cơm ngon lành, nhất định không được đưa cho gã những hộp cơm gần hết hạn.
Đó là một cửa hàng tiện lợi bất tiện vì nó rất ít khách. Nó đang phải cạnh tranh với những cửa hàng khác khang trang và hiện đại hơn. Vì cửa hàng này ít khách nên nó hạn chế nhập hàng, hàng ít nên giá cao, giá cao nên càng ít khách. Đó là lý do cửa hàng tiện lợi này… bất tiện và luôn đối diện với nguy cơ phá sản. Con trai của cụ bà cứ xúi bà nhượng quách cái tiệm đi nhưng bà nhất định không chịu. Bà muốn duy trì nó, muốn tạo công ăn việc làm cho ba nhân viên làm việc bán thời gian mà bà xem như gia đình.
Nhân viên thứ tư chính là Dok-go, gã ăn mày mất trí nhớ đã giành lại cái ví cho bà. Sau thời gian tới ăn chực, cụ bà nhận Dok-go (có nghĩa là cô độc) vào làm nhân viên. Anh được ứng lương để tắm gội, mua quần áo mới, thuê một chỗ ngủ tạm. Anh cũng bỏ rượu và trở thành một con người mới. Và từ chỗ bị mọi người xa lánh, Dok-go bỗng chứng tỏ được giá trị của mình ở cửa hàng. Anh giúp cửa hàng tiện lợi này không còn bất tiện, anh dùng thân hình bồ tượng trấn áp bọn gây rối, anh thể hiện sự khoa học trong việc bày biện lại hàng hóa, lên phương án giao hàng tận nơi, ghi nhớ thói quen khách hàng…
Nhờ sự giao tiếp hàng ngày, cửa hàng bỗng trở thành nơi ký thác nỗi buồn của biết bao khách hàng, những người vẫn bị xem là kẻ thất bại trong cuộc sống. Và nhờ những giao tiếp thường nhật này, Dok-go không còn… Dok-go (cô độc) nữa và anh dần khôi phục trí nhớ. Hóa ra anh từng là một bác sĩ. Trong một tai nạn, anh lỡ tay làm chết người và sa vào nghiện rượu. Anh dần mất hết tất cả, mất luôn cả trí nhớ cho đến khi gặp một cụ bà… lãng trí. Và họ chính thức bước vào một hành trình chữa lành cho nhau.
Khôi phục lại những ký ức và những gì tốt đẹp đã từng.
2. Khi gặp một người ăn xin trên đường, tôi luôn tự hỏi: họ đã từng là ai trước khi làm ăn xin. Và cả những người lái xe ôm nữa, họ phải từng là một ai đó trước khi cuộc sống đẩy họ vào những chuyến xe ngang dọc thành phố.
Cuốc xe ôm gần nhất tôi đi, người chạy là một trung niên ngoài 50 tuổi. Đang buồn, tôi bèn mở lời trước:
- Vợ con gì chưa?
Anh đáp:
- Cháu nội năm tuổi rồi.
Câu chuyện cứ thế mà diễn ra. Tôi biết cả gia đình anh đang sống trong một căn nhà thuê nhỏ. Hai vợ chồng, con trai, con dâu và đứa cháu nội. Con trai anh vừa thất nghiệp tại một nhà máy nên lấy xe đi chạy xe ôm. Chất liệu ấy rõ ràng quá phù hợp để tạo ra một câu chuyện buồn. Nhưng câu chuyện mà anh xe ôm mang đến cho tôi không buồn một chút nào cả. Anh nói:
- Nó mới thất nghiệp rồi, đang chạy xe ôm luôn, vui lắm.
Tôi mới đáp bông đùa:
- Tôi chưa thấy người cha nào vui khi con mình thất nghiệp như chú?
Chú mới cười hề hề và bảo ngày trước đi làm công ty, có những lúc làm thêm tối mịt mới về. Rồi có những lúc tăng ca làm luôn cuối tuần nên “ba cha con không thấy mặt nhau”. Giờ thất nghiệp rồi, chạy xe ôm, hai đứa ra khỏi nhà và về nhà cùng lúc, cuộc sống gia đình vui hơn thấy rõ. Thỉnh thoảng chạy trên đường còn có thể nhìn mặt nhau. Lâu lâu có khách bo cho ít tiền, có thể gọi coi nó đang ở đâu để mang cho nó một ổ bánh mì. Và vui nhất là mỗi buổi tối về, cháu nội ngủ rồi, hai ông bố có thể ngồi lai rai vài xị rượu để ngủ cho nó ngon.
Hóa ra vui/buồn và sướng/khổ cũng chỉ là góc nhìn mà thôi. Với nhiều người, cuộc sống kia có thể là một bước lùi về mặt kinh tế. Nhưng với người xe ôm trung niên, nó là một bước tiến về hạnh phúc gia đình.
Chuyến xe kết thúc, tôi hỏi chú từng làm nghề gì trước khi chạy xe, chú bảo: "Kỹ sư!", rồi phóng xe vụt đi.
3. "ĐÃ TỪNG" là một câu chuyện rất dễ gây bồi hồi. Cách đây ít lâu, NSƯT Thành Hội viết một câu chuyện ngắn làm tôi xúc động, về con bù nhìn rơm. Đại ý:
"Cọng rơm kia từng là một cây lúa.
Cái cọc kia đã từng là một cây xanh.
Bù nhìn rơm từng là tổng hợp của những thứ từng ngon lành.
Nay người ta đặt nó ngoài ruộng để đuổi chim.
Rầu tức là… đã từng vui.
Cuộc sống này là tổng hợp của những thứ đã từng”.
Đọc cuốn “Cửa hàng tiện lợi bất tiện”, tôi càng hiểu sâu thêm về hai chữ “đã từng” này. Nếu đã từng có, vậy thì khi mất đi, ta có thật sự mất không? Như anh chàng Dok-go kia, anh đã mất toàn bộ trí nhớ, nhưng bộ kỹ năng của một bác sĩ vẫn ở trong người anh. Và nó chỉ chờ được tái kích hoạt, để anh cứu rỗi không chỉ một cửa hàng mà còn cả cuộc đời của một cụ bà bất hạnh. Một người nhìn từ bên ngoài có vẻ bất hạnh vẫn có cái để cho đi đó chứ! Như chú xe ôm có cậu con trai thất nghiệp cho tôi một định nghĩa mới về hạnh phúc. Nếu họ không từng thành công, từng hạnh phúc thì làm sao họ cho tôi định nghĩa ấy được. Hạnh phúc là mất đi, hạnh phúc là tổng hợp của những trạng thái đã từng.
Nên những người đau khổ và cô độc như Dok-go, hãy đọc cuốn sách này, để thấy những nỗi đau hôm nay rồi cũng chỉ là thứ đã từng mà thôi!
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/da-tung-i305295/