Đã xác định được khoảng 51.400 loài sinh vật tại Việt Nam
Ngày 8-11, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết hợp Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội nghị toàn quốc về sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 8.
Đây là diễn đàn khoa học quan trọng của các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên sinh vật của Việt Nam. Hội nghị đã tập hợp được đội ngũ nhà khoa học có kinh nghiệm, nhiều nhà khoa học trẻ ở Việt Nam và thế giới tham gia.
Theo các nhà khoa học, tài nguyên sinh vật rất gần gũi với con người, cung cấp hầu hết thức ăn, lương thực thực phẩm cho đời sống hằng ngày. Do đó, tài nguyên sinh vật được quan tâm khai thác, phát triển, nhân nuôi, trồng cấy và nghiên cứu.
Hội nghị có 13 báo cáo khoa học được lựa chọn từ 53 bài báo khoa học. Năm nay, Ban tổ chức Hội nghị yêu cầu nâng cao chất lượng của các báo cáo khoa học, các bài báo của Hội nghị phải bảo đảm theo tiêu chuẩn tạp chí Sinh học (tạp chí quốc gia).
Có 99 bài báo khoa học được lựa chọn để gửi phản biện. Sau khi phản biện, còn 53 bài báo của 150 tác giả và được tạp chí Sinh học lựa chọn đăng. Các báo cáo đã thông tin, chia sẻ nhiều số liệu khoa học có giá trị. Theo đánh giá của các nhà sinh học, tổng số loài sinh vật trên trái đất lên đến 7-8 triệu loài, có thể còn cao hơn. Các nhà khoa học đã phát hiện, xác định được 1,7 triệu loài động vật, thực vật và nấm... Việt Nam là quốc gia vùng nhiệt đới có sự đa dạng sinh vật rất cao, trong đó những loài đặc hữu quý hiếm, có giá trị cao. Đến nay, các nhà khoa học về sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam và trên thế giới đã xác định được khoảng 51.400 loài sinh vật tại Việt Nam, trong đó có khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20 nghìn loài thực vật; 10.900 loài động vật; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ngước ngọt; 11.000 loài sinh vật biển…
Bên cạnh đó, tại Hội nghị, các nhà khoa học trao đổi về phương pháp tham gia của các nhà khoa học trong việc thực thi các quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản…