Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí, năm 2024 đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và BCĐ về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh.
Sáng 26/11, Báo cáo về công tác của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) năm 2024, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí cho hay, tòa án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc, đã giải quyết được 585.932 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,72%; cao hơn năm trước 0,56%. So với năm 2023, số vụ việc đã thụ lý tăng 7,73%; đã giải quyết tăng 8,4%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,77%, thấp hơn năm trước 0,12% và đáp ứng yêu cầu nghị quyết Quốc hội đề ra.
Về các vụ án hình sự, tòa án các cấp đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 98,18% về số vụ và 96,82% về số bị cáo, cao hơn năm trước 0,18% về số vụ và 0,47% về số bị cáo, vượt 10,18% so với nghị quyết Quốc hội giao. Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội.
Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi chỉ đạo và các vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước và có sự phân hóa các đối tượng trong vụ án đảm bảo vừa xử lý nghiêm minh, vừa nhân văn, thuyết phục, đúng quy định của pháp luật.
Công tác giám sát đối với Thẩm phán cũng như công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý đối với các hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.
TANDTC tổ chức kiểm tra công tác chuyên môn của các TAND cấp cao và TAND 2 cấp tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
TAND địa phương đã tổ chức 217 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 360 đơn vị. Qua đó đã chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, Thẩm phán.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, Chánh án cho biết hoạt động của các tòa án còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (là 1,5%) (trong đó, bản án, quyết định bị hủy 1,6%, bị sửa 1,98%).
Số lượng các loại vụ việc, vụ án mà các tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh, trung bình 10%/năm với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp nhưng biên chế hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu; các tranh chấp phát sinh chủ yếu liên quan đến đất đai mà đất đai là lĩnh vực rất phức tạp.
Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm phối hợp với tòa án, chưa làm hết trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ; Một số công chức chưa thận trọng, chặt chẽ trong nghiên cứu, thu thập, đánh giá chứng cứ, trách nhiệm và kinh nghiệm, phương pháp công tác còn hạn chế, kể cả việc chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp dẫn đến bị xử lý kỷ luật và cả pháp luật hình sự.