Đặc cách cho nhà khoa học xuất sắc
Nhiều nhà khoa học làm nghiên cứu ở nước ngoài, tập đoàn lớn lâu năm, thành tích nghiên cứu xuất sắc nhưng khi vào cơ quan nghiên cứu nhà nước lại bắt đầu với chức danh nghiên cứu viên, lương khởi điểm. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trình Chính phủ sửa đổi một số quy định, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết.
Đặc cách thăng hạng nhiều bậc
Ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) cho biết, đã trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Điểm mới của dự thảo Nghị định là vấn đề đặc cách thăng hạng cho các nhà khoa học. Trước đó, Nghị định 40 quy định, nhà khoa học có thành tích xuất sắc (có giải thưởng quốc tế, chủ trì nhiệm vụ đặc biệt…) sẽ được đặc cách thăng hạng không qua thi thăng hạng và không phụ thuộc vào năm công tác. Hơn 1.000 nhà khoa học được hưởng đặc cách này.
Tuy nhiên, quy định chỉ đặc cách thăng hạng một bậc, ví dụ từ nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính. Thực tế, có những nhà khoa học có thành tích xuất sắc nhưng khi vào làm việc tại cơ quan khoa học của Nhà nước chỉ được đặc cách nghiên cứu viên. Vì vậy, nghị định mới cho phép nhà khoa học có thể vào bất cứ vị trí nào như nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp, tùy thuộc năng lực.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-Kist) có những tiến sĩ làm việc ở cơ sở nghiên cứu hoặc doanh nghiệp nước ngoài nhiều năm, khi vào đây, theo quy định hiện nay chỉ áp dụng bậc lương 3.0, tương đương một người vừa học xong. Đây là một vướng mắc rất lớn, cần một cơ chế xét lương công bằng.
Theo ông Nghĩa, với nghị định mới, nhà khoa học có thể được đặc cách nhiều lần. Tuy nhiên, thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng một lần để xét đặc cách.
Ông Duy cho biết, trong ngành giáo dục, những người được phong phó giáo sư sẽ được đặc cách là giảng viên cao cấp trong khi ngành khoa học chưa được. Vì vậy nghị định mới cho phép nhà khoa học sẽ được đặc cách là nghiên cứu viên cao cấp khi được phong tặng phó giáo sư.
Nghị định cũng quy định mở thêm nhiều ưu đãi cho nhà khoa học Việt kiều, nhà khoa học nước ngoài làm việc tại cơ sở trong nước như được hưởng mức lương theo thỏa thuận và không thấp hơn mức lương của chuyên gia làm việc tại các vị trí tương tự trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Ngoài ra, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam, hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế.
Nhà khoa học Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi
Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, so với các lĩnh vực khác, lĩnh vực khoa học chịu thiệt thòi khi người làm nghiên cứu trong các cơ quan nhà nước không được hưởng bất kỳ một phụ cấp, chế độ nào ngoài lương.
TS Quân cho biết, những năm qua, để gỡ khó cho các nhà khoa học, một số chính sách đã được ban hành như Nghị định 40, Nghị định 87, tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn, chế độ đãi ngộ nhà khoa học, đặc biệt với các nhà khoa học xuất sắc còn khiêm tốn. Để được hưởng những chế độ đãi ngộ theo quy định, thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Điều này khiến tình trạng chảy máu chất xám từ các cơ quan nghiên cứu nhà nước ra bên ngoài ngày càng nhiều. Các cơ sở nghiên cứu trong nước rất khó thu hút nhân tài và xây dựng đội ngũ nhà khoa học kế cận.
Tại cuộc gặp mặt với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu thực tế, việc tuyển mới các nghiên cứu sinh cho các ngành khoa học và công nghệ là rất khó khăn do những bất cập trong chính sách tiền lương, cơ chế thanh quyết toán. Trong khi đó, để hình thành một nhóm nghiên cứu mạnh về một hướng nghiên cứu chuyên sâu cần thời gian liên tục từ 10-15 năm. Với việc xét duyệt kinh phí, đề tài như hiện nay thì rất khó có thể hình thành một nhóm nghiên cứu đủ mạnh.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/dac-cach-cho-nha-khoa-hoc-xuat-sac-1473907.tpo