Đặc công cơ giới phục kích đánh trực thăng đổ bộ (Mậu thân 1968)
Chuẩn bị bước sang năm mới, trả năm Mậu Thân cho trời đất và đón năm Kỷ Dậu, lại nhớ cách đây 48 năm trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, ngày 18/4/1968 chúng tôi vừa tách đội hình Đoàn 262, được Ban cơ giới Miền (J16) đón nhận và điều về Tiểu đoàn 5 đặc công cơ giới chưa được mấy ngày thì tổ ba người chúng tôi đã chạm trán với trực thăng Mỹ ở trảng tranh, gần khu vực đóng quân ở Bà Chiêm, căn cứ của J16 trong một lần mai phục ở trảng này
Xin kể để độc giả biết, lính tăng còn một kiểu đánh này nữa và chưa có trong sử sách. Toàn văn câu chuyện này anh Lê Cát Lợi đã có trong tập hồi ký của tôi " Kỷ niệm thời chiến sỹ đặc công", mình xin tóm tắt và mô phỏng như sau:
Bối cảnh:
Đơt 1 tổng tấn công tết Mậu thân đã kết thúc được trên hai tháng, ta đang chuẩn bị cho đợt 2, lúc này Mỹ, Ngụy đang phản ứng rất điên cuống và lồng lộn như con thú dữ bị thương. Việc đi lại ăn ở của quân ta vô cùng khó khăn, rời hàm trú ẩn, đi lấy gạo, nước, ra bãi tập có thể thiệt mạng vì phi pháo, bom, biệt kích như chơi. Ta không bộc lộ lực lượng nên máy bay Mỹ hầu như làm chủ vùng trời Tây Ninh mà ko một phát súng phòng không bắn trả. nhiều khi trực thăng còn đáp xuống bất cứ chỗ nào chúng nghi có quân ta.
Đại tá Nguyễn Văn Khuynh ( trái ) cùng bác Huỳnh Cừu nhân vật trong bài ảnh chụp năm 2009).
Truyền đơn, giấy thông hành rải trắng rừng kêu gọi quân ta ra "hồi chánh". Còn ở mặt đất thì khác, quân Mỹ chốt ở các trục giao thông lớn, trảng trống, và các căn cứ lớn ở tuyến hai, quân ngụy chốt giữ phòng ngự ở dọc biên giới. Trong các khu rừng, đâu đâu cũng thấy các căn cứ của ta, đông vui, nhộn nhịp, khẩn trương. Rất nhiều xác xe tăng các loại của Mỹ, xác trực thăng... dấu vết còn lại trong chiến dịch tìm diệt của mỹ mùa khô 1966, 1967 còn nguyên vẹn, thể hiện rõ mức độ ác liệt của cuộc chiến đã qua mà lớp đàn anh của chúng tôi hôm nay đang là chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn đã tham chiến (anh Lê Như Hòa, Nguyến Xuân Tình, Huỳnh Cừu thuộc D5...)
Tác giả tặng sách Thành Đô.
Địa điểm diễn ra trận đánh:
Cách vị trí đóng quân của đơn vị chúng tôi chừng 3 km có một khu đất trống dài chừng 1,5km, rộng khoảng 700m, không biết ai đặt tên, nhưng chúng tôi được biết là Trảng Tranh (vì nó toàn cỏ tranh um tùm, cao ngang tắt lưng), có một con lộ đất chạy thẳng tắp đến ngã ba Bà Chiêm là căn cứ dã ngoại của Mỹ đã rút bỏ, có con suối Bà chiêm chảy qua phía đầu trảng, tụi mỹ ko bắc cầu mà dùng các tấm ghi sân bay dã chiến cho xe chạy, vẫn còn nguyên đó. Có thể nói địa điểm này địch đã kiểm soát và chỉ mới rút bỏ sau Tết Mậu Thân.
Đại tá Lê Như Hòa ( trái ) & Đại tá Nguyễn Văn Khuynh (phải)
Trận địa mai phục:
Trong bìa rừng, cách con lộ đất chừng 50m, ta đào một hầm trú ẩn kiên cố, chúng tôi thay nhau ăn, nghỉ tập kết tại đây. Ngoài trảng trống, cách con lộ chừng 60m có công sự chiến đấu với ba vị trí: Tổ trưởng trang bị trung liên RBĐ, xạ thủ B40 và một tay súng AK. Mỗi người còn được trang bị hai lựu đạn, được ngụy trang rất kín bằng cỏ tranh (Thay nhau mỗi ngày trực một tổ.Tổ ra nhận thay ca là phải thay ngay cỏ mới, thời gian trực chiến từ 5h sáng đến 17h chiều thì rút về cứ). Mai phục kiểu này chẳng khác gì độn thổ đánh giặc, phải nằm suốt ngày ở đây để chờ trực thăng đến.
Nhiệm vụ chính là: nếu trực thăng đổ quân hoặc bốc biệt kích là đánh và mau chóng rút vào hầm trú ẩn trong bìa rừng
Diễn biến trận đánh:
Trận đánh xẩy ra đúng ngày Tổ ba người chúng tôi đến lượt trực ngoài trảng tranh. Tổ trưởng là anh Chén, xạ thủ trung liên (lái xe T34, hơn tôi ba tuổi, còn sống, đang ở Sóc Sơn, Hà Nội, đã ngoài 70 và rất yếu), Chác,xạ thủ B40 (Pháo thủ T34, Sóc Sơn Hà Nội, hơn tôi một tuổi, đã hy sinh trong trận Cà Tum 17/8/1968) và tôi (Khuynh, lái xe T34) xạ thủ AK 18 tuổi rưỡi.
CCB Nguyễn Văn Khuynh (phải) Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tình (trái)
Hôm đó là một ngày nắng, đẹp trời, cuối tháng 4, đầu tháng 5/1968 (tôi ko nhớ ngày, chỉ nhớ nó xẩy ra khi ta chưa mở đợt 2 của Mậu Thân), chúng tôi trực đến 15h30, chỉ còn hơn một giờ nữa là rút vế căn cứ, thì có tiếng trực thăng ngày một gần, anh chén ra hiệu sẵn sáng chiến đấu và xem lại ngụy trang cho kín.
Từ xa, ba chiếc trực thăng vũ trang bay thấp tiến dọc theo con lộ đất về phía trảng. Tôi hồi hộp quá, cứ tưởng nó chỉ bay qua đây lên khu vực Bà Chiêm, nào ngờ đến cuối trảng nó vòng lại, rồi một chiếc bay vọt lên cao, hai chiếc còn lại quần đảo mấy vòng ở khu vực trảng cứ như là chúng đã thấy chúng tôi ở đây, sau đó bất ngờ chúi xuống phóng rốc két, ném đạn cối và bắn đại liên xối xả xuống hai bên ven rừng, Anh Chén hô: lên đạn đi, chờ nó đỗ xuống mới bắn nhé !
Quần đảo một hồi, hai chiếc trực thăng vũ trang tản ra, bắn sâu vào bên trong rừng, xung quanh trảng, vừa lúc đó ba chiếc UH1 chở quân lù lù bay tới rất thấp, trong giây lát, chiếc thứ nhất bay chậm lại rồi từ từ chuẩn bị hạ xuống giữa trảng cách trận địa chúng tôi chừng 70m, cánh quạt làm cỏ tranh rạp xuống, tôi đã nhìn thây nhiều lính trên máy bay. Nó như đứng yên tại vị trí và từ từ hạ càng thì anh Chén hô bắn, rồi một tràng trung liên của anh quét trúng vào nó, tóe khói, tôi bóp cò AK ba lần nhưng chỉ được ba viên, thì ra trong lúc hồi hộp tôi bật lẫy nhầm xuống nấc một, Chác cứ loay hoay chưa bắn B40, hình như cậu ta thấy còn xa quá, chỉ trong gây lát thôi, tôi thấy chúng bốc lên quay đầu lại, thì anh Chén hô chạy nhanh về hầm trú ẩn. Chúng tôi chạy vào đến bìa rừng thì một chiếc trực thăng đã kịp lao đến phóng quả rốc két vào hầm mai phục, rồi chiếc sau bắn đại liên như vãi trấu vào đó. Quả thật anh Chén cho rút ngay cũng hơi vội, nhưng chỉ chậm một chút nữa là tôi cũng ko còn để hôm nay kể chuyện với các độc giả.
Bị đánh quá bất ngờ, địch ko dám đổ quân, nhưng chúng phản ứng quyết liệt, các máy bay trực thăng cứ lồng lộn nhả rốc két, ném cối, bắn đại liên vào khu hầm mai phục và hai bên bìa rừng, ngồi trong hầm trú ẩn, đất đá văng rào rào, mùi thuốc súng lẫn mùi cây đổ và khói xông xuống khét lẹt, sặc sụa. Tôi còn cảm thấy chúng quây, đỗ xuống khu hầm mai phục và phá tung công sự tìm quân ta vì trong tiếng đạn nố rầm rầm nghe thấy cả tiếng chúng hô hét ngoài đó nữa. Anh Chén nhắc mọi người sắn sàng đánh địch và rút chạy về cứ nếu chúng cho quân sục vào đây.
Quả thật nếu chúng cho quân sục vào đây tìm diệt chúng tôi, thì chỉ còn nước liều chết với chúng hoặc nhanh chóng rời hầm trú ẩn rút về căn cứ vì cả ba người chúng tôi còn khá nhiều đạn, nhưng vừa mới tò te ở Miền Bắc vào chưa có kinh nghiệm gì cả, nên cứ mằm lỳ ở hầm, thực tế thì ko thể rút chạy được vì chúng quần đảo và uy hiếp bằng hỏa lực ko thể ra khỏi hầm.
Tuy nhiên, điều may mắn đã xẩy ra, có thể địch cũng sợ trúng bẫy nghi binh nên đến xẩm tối tụi trực thăng rút ra xa, rồi một chiếc trinh sát L19 vè vè bay đến vòng vo một lúc và phóng một quả hỏa tiễn chỉ điểm xuống bên kia bìa rừng của trảng, phảm lực lao đến bắn pháo sáng rực trời và ném bom rầm rầm bên đó. Máy bay phản lực hoàn thành việc ném bom, một thoáng im lặng của chiến tranh, vừa thở phào định ra khỏi hầm thì hàng loạt đạn pháo từ các nơi dội tới tấp xuống trảng, chát chúa. Khoảng 19h tối, pháo thưa dần, chúng tôi rút nhanh về cứ.
Thế là kết thúc hơn 4h ngửi mùi thực của chiến tranh. Địch tốn hàng tấn đạn và bị một cú bất ngờ, chắc chắn có lính Mỹ bị hạ và bị thương trên chiếc trực thăng đầu tiên, trong khi chúng tôi chỉ có ba người và chỉ mất vài chục viên đạn nhọn. Thế mới biết trong cuộc chiến này, lính Mỹ ỷ nại vào vũ khí, khi phải giáp mặt với quân ta thì dè dặt, lo sợ và đối phó tùm lum, điển hình là chúng biết chúng tôi chạy vào bía rừng bên này, thế mà lại gọi phản lực ném bom ben kia, cách chừng 500 đến 700m để là gì mà ko dám cho quân sục vào khu hầm nơi chúng tôi trú ẩn chỉ cách bìa rừng 50m thôi !
Kể câu chuyện này , sau khi tham chiến nhiều trận liền đó chúng tôi vẫn còn tiếc là chưa hạ được trực thăng. Chỉ huy đại đội lúc đó là anh Huỳnh Cừu C phó, anh Đắc C trưởng, anh Sơn B phó véo tai và nói: huân chương và dũng sĩ diệt máy bay trong tay các cậu còn bỏ tuột, thật là tiếc.
Còn tôi thì khác, đến hôm nay tôi vẫn tiếc vì sao mà lại bật lẫy AK nhầm nên chỉ điểm xạ được ba viên, nếu ko cả 30 viên đã nằm gọn trong chiếc trực thăng Mỹ rồi.
Sau khi nghĩ lại tôi tự thông cảm cho mình và mong các quê cũng đừng cười: Lúc đó còn trẻ con, mới 18 tuổi rưỡi, đánh giặc chứ đâu phải chuyện đùa phải ko.
(CCB Nguyễn Văn Khuynh viết 2016 /Thành Đô trích trong "Theo Vết xích xe tăng")
Trái tim người lính