Đặc khu trưởng Hồng Kông xin lỗi người biểu tình: Bước xuống nước muộn

Bất chấp việc chính quyền Hồng Kông đã đình chỉ vô thời hạn dự luật dẫn độ gây tranh cãi, người dân Hồng Kông vẫn xuống đường hôm Chủ nhật 16.6 khiến Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải đưa ra lời xin lỗi.

Thậm chí, quy mô cuộc biểu tình hôm qua còn lớn hơn cả Chủ nhật lần trước, hôm 9.6. Cách đây 1 tuần, nhóm tổ chức ước tính có 1,03 triệu người xuống đường, gấp đôi kỷ lục của 16 năm trước và chiếm hơn 13% dân số Hồng Kông (gần 7,5 triệu người) trong khi cảnh sát ước tính là 240.000 người. Còn hôm qua, họ ước tính số người xuống đường có thể đạt mốc 2 triệu, tức là hơn một phần dân số Hồng Kông đã xuống đường (con số ước tính của cảnh sát Hồng Kông là 338.000 người).

Theo CBS News, người biểu tình lần này không còn đeo khăn bịt mặt để che giấu danh tính nữa mà họ xuất hiện một cách công khai, cũng không chỉ còn giới sinh viên - học sinh tham gia chủ yếu như Chủ nhật trước mà hôm qua, nhiều người già, phụ nữ cũng xuống đường.

Người biểu tình cũng không chỉ đẩy mạnh phản đối dự luật dẫn độ nữa mà bày tỏ sự tức giận vì các chiến thuật cứng rắn của cảnh sát khi đối phó với người biểu tình, đặc biệt là hôm 12.6 làm ít nhất 80 người bị thương, trong đó có 22 nhân viên công lực. Từ đó, họ yêu cầu hủy bỏ dự luật đồng thời Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải xin lỗi và từ chức. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy đám đông trong trang phục đen diễu hành từ công viên Victoria đến khu vực các văn phòng chính quyền Hồng Kông.

Nhiều người mang theo hoa để tưởng nhớ một người biểu tình thiệt mạng sau khi ngã từ giàn giáo trên sân thượng một tòa nhà khi tìm cách tháo chạy khỏi nhân viên công lực, theo AFP.

Trong bối cảnh đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phải lên tiếng xin lỗi người biểu tình. Tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày Chủ nhật đã đề cập đến các cuộc biểu tình và cho biết chính phủ "hiểu rằng những quan điểm này đã được thể hiện vì tình yêu và sự quan tâm cho Hồng Kông''.

"Đặc khu trưởng đã xin lỗi người dân Hồng Kông vì điều này và cam kết sẽ có thái độ chân thành và khiêm tốn nhất để đón nhận những lời phê bình và phục vụ nhân dân tốt hơn", thông báo viết.

Tuy nhiên, lời xin lỗi dường như vô nghĩa. Bonnie Leung, một trong những người tổ chức biểu tình, nói trên kênh Al Jazeera rằng lời xin lỗi của bà Lâm là vô nghĩa và không giải quyết các mối quan tâm chính của cuộc biểu tình lần này, bao gồm cả việc đối xử với người biểu tình.

"Người dân Hồng Kông mệt mỏi vì bị đại diện của họ nói dối. Bạn càng nói chân thành, chúng tôi càng tức giận. Lời xin lỗi của bà ấy chẳng khác gì thêm dầu vào lửa".

Sở dĩ có sự bất mãn của người biểu tình lần này xuất phát từ việc chính quyền Hồng Kông sẽ thông qua dự luật cho phép dẫn độ người sang các nơi mà Hồng Kông chưa có hiệp ước dẫn độ chính thức. Theo CNN, điều này khiến dư luận lo ngại việc cho phép Bắc Kinh dẫn độ người từ đặc khu.

Các nhà phê bình cho rằng dự luật sẽ khiến bất cứ ai trên đất Hồng Kông dễ bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ vì lý do chính trị hoặc phạm tội kinh doanh vô ý và làm suy yếu hệ thống pháp lý bán tự trị của Hồng Kông.

Sau khi người biểu tình xuống đường thì chính quyền Hồng Kông đã chọn biện pháp cứng rắn để giải quyết khi cho phép cảnh sát dùng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông hôm 12.6 làm ít nhất 80 người bị thương, trong đó có 22 nhân viên công lực. Tuy nhiên điều này càng khiến tình hình khó kiểm soát.

Hôm thứ 6, cố vấn Trần Trí Tư (Bernard Chan) đã góp ý chính quyền cần tái đánh giá tình hình, khi dự luật khiến dư luận không đồng tình. “Ít nhất không nên làm tâm lý phản đối leo thang. Những gì xảy ra hôm 12.6 thật đáng buồn và không phải điều chúng tôi muốn thấy. Chúng ta thật sự phải xem lại. Nhiệm vụ hàng đầu lúc này là xoa dịu công chúng nhằm tránh trong tương lai lại có đụng độ”, theo cố vấn Trần.

Chính quyền Hồng Kông sau đó cảm thấy mạnh tay không giải quyết được vấn đề liên tiếp nhượng bộ. Hôm 15.6, bà Lâm đã tuyên bố đình chỉ vô thời hạn dự luật và hôm 16.6 là đưa ra lời xin lỗi. Cộng đồng thế giới hy vọng chính quyền và người dân Hồng Kông sớm tìm được tiếng nói chung để tình hình được bình ổn lâu dài.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dac-khu-truong-hong-kong-xin-loi-nguoi-bieu-tinh-buoc-xuong-nuoc-muon-115255.html