Đắc Lắc: Nông dân khốn đốn vì nông sản bị 'đầu độc', trộm cắp
Bỏ công chăm sóc cà-phê, tiêu ròng rã gần cả năm trời, chưa được thu hái thành quả mà bây giờ, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Đắc Lắc đã nếm 'trái đắng'. Hàng trăm trụ tiêu đã bị 'tiêu tặc' 'đầu độc' làm chết héo. Hàng nghìn cây cà-phê mới chín bói cũng bị kẻ gian 'làm thịt' không thương tiếc.
Bỏ công chăm sóc cà-phê, tiêu ròng rã gần cả năm trời, chưa được thu hái thành quả mà bây giờ, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Đắc Lắc đã nếm “trái đắng”. Hàng trăm trụ tiêu đã bị “tiêu tặc” “đầu độc” làm chết héo. Hàng nghìn cây cà-phê mới chín bói cũng bị kẻ gian “làm thịt” không thương tiếc.
GẦN 500 TRỤ TIÊU BỊ “ĐẦU ĐỘC”
Những ngày qua, anh Hà Văn Chuân (trú thôn Tân Phương, xã Ea Toh, H. Krông Năng, Đắc Lắc) cứ ngồi ủ rũ trong nhà, không thiết gì cơm nước. Không buồn sao được khi gần 500 trụ tiêu 4 năm tuổi, hiện đang cho thu hoạch đã bị kẻ gian “đầu độc” chết héo. “4 năm trước, nhà tôi trồng 1.000 trụ tiêu với chi phí đến nay khoảng 900 triệu đồng. Cứ nghĩ năm nay sẽ thu hoạch lứa đầu tiên để lấy tiền trả nợ ngân hàng thì nào ngờ tiêu bị đầu độc, cả tỷ đồng, bỗng dưng tiêu tan theo mây khói. Không khéo số tiêu còn lại cũng bị chúng “thịt” mất. Thử hỏi chúng tôi sống sao đây”, anh Chuân khóc nghẹn.
Anh Chuân kể lại sự việc: ngày 4-11, anh lên thăm rẫy thì phát hiện vườn tiêu có biểu hiện héo lá, khô ngọn, toàn bộ phần dưới bị cháy đen. Anh hốt hoảng báo ngay cho người thân đến kiểm tra, phát hiện tổng cộng gần 500 trụ tiêu bị héo lá, tất cả đều bị “đầu độc” bằng thuốc diệt cỏ. Anh Chuân cho biết, tại địa phương, gia đình anh sống hòa đồng, không mâu thuẫn với ai và cũng không bị ai đe dọa. Anh Chuân cũng không thể khoanh vùng nghi phạm đã ra tay “đầu độc” vườn tiêu của mình. Điều đáng nói là trong vòng bán kính cả ki-lô-mét, chỉ có vườn tiêu anh Chuân bị “đầu độc”. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Vân, Trưởng CAH Krông Năng cho biết, CQĐT CAH đang tiến hành điều tra, tập trung manh mối để truy bắt nghi phạm.
CÀ-PHÊ CHƯA KỊP HÁI ĐÃ BỊ CẮT TRỘM
Ngoài việc bị “đầu độc”, tình trạng trộm cắp cà-phê đang hoành hành cũng khiến nhiều hộ dân “đau đầu”. Đến nhà bà H Nuen Niê (trú buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, H. Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) vào cuối buổi chiều, chúng tôi thấy bà đang chuẩn bị đồ đạc như đèn pin, nước... Hỏi chuyện mới biết, bà H Nuen Niê đang định vào rẫy xem có tên nào đến trộm cà-phê nữa không. “Khổ lắm chú ơi, cực chẳng đã mình mới bỏ nhà đi giữ cà-phê. Mà không đi không được bởi nếu không thì trộm “cuỗm” hết cà-phê mất. Mà trộm đã ra tay với vườn của mình rồi. Nếu không bảo vệ số cà-phê còn lại thì lấy gì mà ăn”-bà H Nuen Niê buồn rầu cho biết.
Theo bà H Nuen, cuối tháng 10 vừa qua, bà lên thăm rẫy thì phát hiện hơn 60 gốc cà-phê sai quả đang chín bói bị kẻ trộm “ghé thăm”. “Chúng chọn những cây trĩu quả rồi truốt hết trái. Có cây chúng bẻ cả cành cho nhanh. Hái trộm buổi tối nên quả nhặt không hết, rớt vung vãi dưới đất, nhìn xót cả ruột. Tổng thiệt hại 5 triệu đồng”, bà H Nuen nghẹn ngào. Tương tự, gia đình ông Y Bhiô Niê (buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng) cũng vừa vị trộm “mần thịt” 40 cây cà-phê. Năm 2014, vườn cà-phê này cũng bị trộm ghé thăm với 50 cây bị thiệt hại... Trước tình hình trộm cắp nông sản đang diễn ra tràn lan, người dân H. Cư Mgar phải tổ chức tuần tra để bảo vệ cà-phê của mình. Nhiều hộ đêm hôm lên rẫy canh trộm, hoặc tổ chức đi tuần... Trong khi đó, để bảo vệ tài sản cho người dân, chính quyền đang rốt ráo triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Trung tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng Tham mưu CA tỉnh Đắc Lắc cho biết, CA tỉnh đã có văn bản gửi CA các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với CA địa phương tiến hành tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tình trạng trộm cắp. Ngoài ra, các đơn vị cần lập phương án mật phục, bắt giữ các đối tượng gây án, xử nghiêm các đối tượng vi phạm.