Đặc nhiệm Cò Đen của Pakistan

Đội Dịch vụ đặc biệt (SSG) là một đơn vị hoạt động đặc biệt có uy tín của quân đội Pakistan. Đơn vị này thường được biết đến với tên gọi Cò Đen hoặc Mũ Nồi Nâu Sẫm, có trụ sở chính thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.

Với danh nổi như cồn, Cò Đen còn được so sánh với Đặc nhiệm của quân đội Mỹ và Đội hỗ trợ đặc nhiệm (SFSG) của Anh. Được huấn luyện về tốc độ và độ chính xác khi bắn, các thành viên Cò Đen rất giỏi trong chiến đấu vũ trang và phi vũ trang, cụ thể là các hoạt động du kích và chống du kích.

SSG hoạt động với khẩu hiệu: trung thành, mộ đạo, Thánh chiến vì Thượng Đế. Các thành viên SSG hay Đặc nhiệm Pakistan đều đội mũ nồi màu nâu sẫm có mẫu kim loại màu bạc trên nền vuông nỉ xanh da trời, họ mặc quân phục Khaki giống như binh sĩ thông thường, nhưng đến năm 1972 đã có một loại áo chiến đấu mới được giới thiệu trong toàn đơn vị và loại y phục này cũng bị loại bỏ vào năm 1979. Ngày nay, họ mặc trang phục ngụy trang kiểu rừng cây của Mỹ. Ngoài ra những trang phục khác nhau được mặc tùy theo điều kiện địa hình. Họ còn đeo một chiếc cánh SSG bằng vàng thỏi ở ngực phải với các biến thể khác nhau dành cho lính dù chuyên nghiệp và cả lính thủy.

Chuyến thăm của Chỉ huy đặc nhiệm Pakistan tại trụ sở của Sư đoàn đặc nhiệm Iraq.

Chuyến thăm của Chỉ huy đặc nhiệm Pakistan tại trụ sở của Sư đoàn đặc nhiệm Iraq.

Những năm đầu thành lập

Sự tham gia của quân đội Pakistan vào những hoạt động mật đã có từ năm 1948 khi các bộ lạc từ những khu vực miền Bắc của nước này thực hiện đột kích vào thung lũng Kashmir nhằm nắm quyền kiểm soát từ nhà cai trị theo đạo Bà La Môn. Dù những cuộc đột kích này đã không đạt được thành công chính, song chúng làm nổi bật tình trạng thanh chấp thung lũng Kashmir trên trường quốc tế. Và với việc rút ra những bài học về các hoạt động đặc biệt trong thời Thế chiến II từ phía Đồng Minh và người Đức, cùng với những hiểu biết sâu sắc từ các cuộc tấn công của bộ tộc Pathan, quân đội Pakistan nhận thấy cần phải có một lực lượng chuyên biệt đủ khả năng hoạt động mật đằng sau phòng tuyến địch và để phá hủy các nỗ lực chiến tranh của đối phương. Khi mối quan hệ giữa Pakistan với Mỹ được củng cố, quân đội Pakistan nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ để thiết lập một đơn vị đặc nhiệm chuyên biệt.

Trong giai đoạn 1953-1954, ngay trong Trung đoàn Baloch hiện có đã xuất hiện một tiểu đoàn đặc nhiệm mới toanh và được đặt tên kín đáo là Tiểu đoàn 10. Đến năm 1956, đơn vị này được tái đổi tên là Tiểu đoàn 19 của Trung đoàn Baloch và chuyển trụ sở đến địa điểm hiện nay là Cherat, cách Peshawar xấp xỉ 40 dặm. Sĩ quan chỉ huy đầu tiên của tiểu đoàn đặc nhiệm là Trung tá Its Abu Bakr Osman Mitha, sau đó ông này thăng quân hàm Thiếu tướng. Ban đầu Baloch 19 bao gồm 6 đơn vị. Tháng 3/1964, ngay trong khuôn khổ chương trình “Viện trợ quân sự cho Pakistan”, các thành viên của Đội đặc nhiệm số 10 (Dù) của quân đội Mỹ đã đến Pakistan để hỗ trợ cho việc thành lập trường dù đầu tiên ở Peshawar. 4 lính dù đầu tiên của Đặc nhiệm Mỹ được triển khai đến Peshawar nhằm huấn luyện cho các thành viên SSG về tác chiến đường không. Thêm nữa, các sĩ quan SSG đã trải qua khóa đào tạo nâng cao tại các căn cứ Mỹ là Fort Bragg và Fort Benning, gồm các lớp học về nhảy dù căn bản, giúp cho Baloch 19 đạt được đầy đủ trình độ chuyên môn đột kích.

Trong thời điểm diễn ra cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan 1965, SSG đã có được những khả năng chiến đấu tối ưu. Năm 1965, Baloch 19 chính thức tái đổi tên thành Đội dịch vụ đặc biệt (SSG) với 6 đơn vị thực hiện chiến đấu ở các địa bàn khác nhau như sa mạc, núi non, biệt kích, chiếu đấu ngoài biển, phá hủy / phá hoại, và hoạt động thu thập tình báo. Các đơn vị sa mạc từng kinh qua huấn luyện với Đội đặc nhiệm 10 của Mỹ vào năm 1964 và tiến hành đào tạo sinh tồn trong sa mạc thuộc khu vực Sibbi với sự tham gia của Đặc nhiệm Mỹ. Mối quan hệ hợp tác huấn luyện với Đặc nhiệm Mỹ đã kéo dài trong thời Chiến tranh Lạnh và sau đó là Chiến tranh Afghanistan. Bởi sự tương tác chặt chẽ này mà SSG đã vận dụng nhiều khái niệm huấn luyện và học thuyết chiến đấu từ các đối tác Mỹ của họ. Sau các hoạt động chống lại quân đội Ấn Độ vào năm 1966 nhưng ít thành công hơn, SSG đã lập tức tái tổ chức và mở rộng.

Hai tiểu đoàn mới được bổ sung nâng tổng số lên thành 3, mỗi tiểu đoàn gồm khoảng 700 quân nhân và do 1 trung tá chỉ huy. Cherat vẫn là trụ sở, với Attock Fort làm căn cứ thứ hai. Năm 1989, SSG mất đi sĩ quan chỉ huy, Lữ đoàn trưởng Tariq Mahmood trong một sự cố nhảy dù thất bại. Tuy vậy, ngày nay, SSG vẫn tiếp tục luân chuyển các tiểu đoàn của mình giữa Cherat và Attock Fort, việc di chuyển này bao gồm 1 đội để huấn luyện, 1 đội thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đọc biên giới hoặc gìn giữ hòa bình, và 1 đội hoạt động tại các địa điểm chiến lược như các nhà máy hạt nhân. Bằng những cuộc chinh chiến với Ấn Độ, tác chiến trong thung lũng băng hà Siachen, tham gia chiến tranh Afghanistan và những nỗ lực chống khủng bố, SSG được công nhận rộng rãi là một trong những đơn vị đặc nhiệm tốt nhất thế giới.

Thành viên SSG cầm vũ khí POF-Eye.

Thành viên SSG cầm vũ khí POF-Eye.

Cơ cấu và huấn luyện

Công tác tuyển dụng các thành viên SSG là hết sức nghiêm ngặt, đặc biệt chú trọng đào tạo binh lính thành những cá nhân biệt kích có khả năng chủ động độc lập. Các cán bộ SSG đều là tình nguyện viên đến từ đủ mọi loại hình quân đội ở Pakistan. Các sĩ quan phải có ít nhất 2 năm rèn luyện trong quân ngũ, và nếu được chọn họ sẽ có 3 năm phục vụ trong SSG. Những người nhập ngũ sẽ được phục vụ lâu dài trong SSG, miễn là họ tuân thủ đầy đủ chế độ huấn luyện khắc nghiệt và duy trì sức khỏe tốt. Quá trình tuyển chọn bắt đầu bằng việc sàng lọc thông qua điểm số của các ứng viên và cho phép xấp xỉ 100 hoặc cao hơn cho các bài kiểm tra đầu vào thường kéo dài vài ngày. Các ứng viên sẽ được kiểm tra kỹ về trí thông minh và năng khiếu liên tục suốt cả ngày lẫn đêm.

Các ứng viên sẽ đối mặt với mốc thời gian nghiêm ngặt cùng những bài huấn luyện đầy mệt mỏi cả về tinh thần và thể chất. Ở giai đoạn cuối của quá trình lựa chọn, các ứng viên sẽ trải qua những bài kiểm tra thể chất bao gồm vượt chướng ngại vật cùng các hoạt động cá nhân và đội nhóm. Chỉ một phần nhỏ cá nhân ban đầu qua được các bài kiểm tra này để bước vào huấn luyện chuyên nghiệp. Tất cả các học viên đều phải trải qua khóa học kéo dài 9 tháng tại Cherat để được đào tạo về biệt kích căn bản. Do chế độ tập luyện cường độ cao và rất khắt khe nên việc tiêu hao sinh lực trong giai đoạn này là không thể tránh khỏi. Khóa học 9 tháng này về cơ bản là nhấn mạnh đến rèn luyện thể chất khắc nghiệt bao gồm những cuộc hành quân dài 58 km đầy mệt mỏi và bắt buộc kết thúc trong 12 tiếng đồng hồ. Các ứng viên SSG cũng phải chạy bộ 8 km dưới 40 phút với đầy đủ trang thiết bị.

Khi kết thúc khóa học kéo dài 9 tháng này, toàn bộ ứng viên SSG phải vượt qua khóa huấn luyện nhảy dù kéo dài 4 tuần tại trường hàng không ở Peshawar. Sau khi hoàn thành lần nhảy kéo dài 5 ngày 2 đêm (các học viên không phải thành viên SSG chỉ phải hoàn thành lần nhảy 5 ngày), họ sẽ nhận và đội chiếc mũ nồi màu hạt dẻ đầy thèm muốn. Sau khi hoàn thành khóa học biệt kích căn bản, các tân binh biệt kích phải trải qua khóa đào tạo biệt kích nâng cao kéo dài thêm 25 tuần. Chỉ sau khi hoàn thành 2 giai đoạn này, các ứng viên mới trở thành thành viên không thể thiếu của SSG. Nhiều cán bộ SSG cũng đạt tiêu chuẩn HALO (nhảy dù ở độ cao mở thấp) và gần đây hơn là HAHO (nhảy dù độ cao mở cao), khóa học này bao gồm 5 lần nhảy rơi tự do giúp tân biệt kích giành được danh hiệu “lính dù”. Nhiều cán bộ SSG cũng tham gia vào các khóa học được thực hiện tại trường chiến tranh trên núi ở Abbotabad.

Các cán bộ SSG trong các đại đội thợ lặn cũng tham dự khóa đào tạo (tách rời) ở Karachi để kiếm huy hiệu lặn chiến đấu. Gần đây có 3 lớp học về lặn chiến đấu. Lớp thứ nhất bao gồm những ứng viên nào đã hoàn thành chặng bơi 28 km; lớp thứ 2 bao gồm những thợ lặn kết thúc chặng bơi 19 km, trong khi đó lớp thứ 3 thì thợ lặn chỉ bơi 10 km. Một môi trường chiến tranh trên núi cao khác đã được thiết lập ở Khappalu nhằm huấn luyện các tân binh SSG và những đơn vị quân đội khác khả năng chiến đấu trong băng hà Siachen. Và cũng nên kể đến các khu vực huấn luyện biệt kích khác bao gồm: an ninh nội bộ, tấn công và chiến thuật đơn vị nhỏ, bắn tỉa, phá dỡ, sống sót, ngôn ngữ, làm quen với các loại vũ khí nhỏ, đánh nhau ở những khu vực xây dựng (FIBUA), chiến thuật cận chiến (CQB), tuần tra trinh sát tầm xa (LRRP), võ thuật, gián điệp, huấn luyện về phân tâm học, và học về tâm lý tội phạm.

Khả năng tác chiến đa dạng

Nhờ trải qua nhiều khóa huấn luyện mà các thành viên SSG có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm: chiến tranh không thông thường; trinh sát tầm xa; thu thập tình báo; tác chiến ven sông; chống khủng bố; những cuộc tấn công chiến thuật vào vị trí địch. Sĩ quan SSG đóng vai trò là người chỉ định mục tiêu cho các nhà quan sát pháo binh và không quân Pakistan. Họ cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ những điểm trọng yếu (VP) chẳng hạn như các cơ sở hạt nhân và đập nước. SSG cũng cung cấp an ninh chi tiết cho COAS (“Tư lệnh quân đội”). Trong quá khứ, các thành viên SSG cũng giữ chức cảnh sát trên máy bay, tuy vậy hoạt động này đã bị đình lại. Họ thay mặt cho chính phủ Pakistan để gây ảnh hưởng và hỗ trợ các nước bạn bè. SSG đã được triển khai tại nhiều nước nhằm huấn luyện cho các lực lượng vũ trang nước sở tại và đóng vai trò cố vấn.

Khoảng giữa thập niên 1980, SSG giúp đào tạo đặc nhiệm Sri Lanka để chống lại các chiến binh Tamil Elam ở nước này. Tương tự, vào đầu năm 1994, SSG tham gia huấn luyện cho Trung đoàn đặc nhiệm của quân đội Mã Lai về chiến tranh tầm cao để chuẩn bị cho việc triển khai và tác chiến ở Bosnia-Herzegovina như là một phần sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (UN). Cần nên biết về các loại vũ khí và trang thiết bị của lính SSG, bao gồm 1- Vũ khí cận chiến, gồm súng tiểu liên Heckler & Koch mp5, vũ khí cầm tay đặc biệt POF-Eye, súng tự vệ cá nhân N/FNP 90, và súng trường Colt m4; 2- Các loại súng trường, gồm có MK16, Steyr AUG, 7.62mm Heckler & Koch G3A3, súng chiến thuật Lớp 56 (biến thể AK-47), AK-47, AK-74, Colt M4, và súng máy đa năng Rheinmetall 7.62mm MG-3; 3- Các loại súng bắn tỉa, gồm: G3s, súng trường bắn tỉa Tikka của Phần Lan, Heckler & Koch PSG1, súng trường bắn tỉa chiến thuật Accuracy International 7.62mm, súng trường thiện xạ bán tự động Dragunov SVD, súng trường bắn tỉa tầm xa RPA Rangemaster .50, Barrett M82, PSR-90s, Steyr SSG 69s; 4- Các loại súng lục, gồm 9mm Glock 15 của Áo, 9mm Glock 17 của Áo, 9mm Glock 19 của Áo, Beretta M9 (M92FS), FN Five-Seven, HK USP-45, SIG Pro 226, và SIG-250.

Các hoạt động chống khủng bố gần đây của SSG có thể kể ra như vào đêm 20 - 21/3/2024, các hoạt động an ninh Pakistan đã thực hiện hoạt động tình báo ở quận Panjgur dẫn đến việc tiêu diệt tay khủng bố Chakar Liaquat. Chưa hết, lực lượng an ninh còn tìm thấy rất nhiều vũ khí và đạn dược được Liaquat tích trữ. Hay vào ngày 30/1/2024, Lực lượng vệ binh quốc gia Bahrain đã tham gia với đặc nhiệm SSG trong cuộc diễn tập chung chống khủng bố ở thủ đô Islamabad của Pakistan. Việc diễn tập chung này là sự mở rộng chuỗi các hoạt động “Al-Badr” vốn trước đây đã diễn ra tại nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan và Vương quốc Bahrain. SSG cũng tham gia vào hợp tác quân sự quốc tế, cụ thể là từ 26/2/2024 đến 8/3/2024 đã diễn ra các hoạt động huấn luyện chung Ai Cập - Pakistan (Raad-1). Những hoạt động này có sự tham gia của lính dù Ai Cập, biệt kích và đặc nhiệm Pakistan.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/dac-nhiem-co-den-cua-pakistan-i738169/